(+84 4) 36288 549

hoimoitruongxdvn@gmail.com

Số 55 đường Giải phóng - Hà Nội

Quản lý quy hoạch và kiến trúc cảnh quan vùng huyện thành phố Hà Nội

Qua khảo sát đánh giá công tác quy hoạch vùng huyện và việc triển khai quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan vùng huyện tại một số huyện ngoại thành Hà Nội cho thấy có một số nội dung chưa được hướng dẫn rõ trong các văn bản pháp lý và các hướng dẫn của thành phố nên cần xem xét bổ sung để hoàn thiện công cụ quản lý quy hoạch vùng huyện.

 Nội dung 1: Phân vùng và tạo lập khung cảnh quan vùng huyện.
Nội dung này nhằm xác định các vùng cảnh quan trên địa bàn huyện, các đặc trưng cảnh quan của vùng, xác định các trục, tuyến cảnh quan, các khu vực tạo đặc trưng cảnh quan cần thiết lập.
Đây cũng là nội dung nếu giải quyết được trong đồ án quy hoạch vùng huyện sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu của luật Kiến trúc với việc gìn giữ bản sắc kiến trúc, cảnh quan. Đồng thời cũng đáp ứng Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07/02/2023 của Thủ tướng chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Thực tế trong thời gian qua, do thiếu nội dung trong các quy định quản lý  nên các huyện hiện nay đang thiếu đi các đặc trưng cảnh quan. Các khu vực bảo tồn cảnh quan như khu vực ven sông, kênh mương, hệ thống cây xanh thuần không được đề xuất, chất lượng môi trường vì vậy cũng chưa được đảm bảo. Đi dọc các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ qua các huyện hai bên đường, ngay cả phần ngoài đô thị, cảnh quan nhiều nơi còn là nhà tạm, xưởng tạm, nơi để vật liệu xây dựng, thậm chí là phế liệu, cảnh quan sông ngòi, cánh đồng, kênh mương là đặc trưng của cảnh quan nông thôn, vốn thân thuộc với mọi người không lọt vào tầm nhìn. Hệ thống Hành lang xanh đã có định hướng trong đồ án quy hoạch chung Thủ đô chưa được cụ thể hóa thành các quy định quản lý trong đồ án quy hoạch vùng huyện.
 
Nội dung 2: Phân bố dân cư nông thôn.
Nội dung này trong các đồ án cấp huyện, xã giai đoạn trước đã có đề xuất cơ bản theo nguyên tắc dựa trên các điểm dân cư nông thôn hiện hữu, không hoặc rất ít hình thành điểm dân cư mới hoăc chuyển dịch điểm dân cư cũ. Tuân thủ các Quy chuẩn hiện hành, theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chú ý đáp ứng các yêu cầu về hạ tầng xã hội, giao thông.
Tuy nhiên việc mở rộng các điểm dân cư nông thôn trước tác động đô thị hóa, tăng dân cư tự nhiên, nhập cư…chưa có sự kiểm soát và định hướng ở đồ án vùng huyện, phần nhiều dựa trên đề xuất từ cấp xã, thiếu căn cứ để chấp thuận xã này có thể tăng bao nhiêu diện tích đất ở mới, có so sánh với xã khác.
Với đặc thù bố trí các điểm dân cư cũ đang là phân tán dạng xôi đỗ, còn ít mảnh đất nông nghiệp lớn nên việc kiểm soát sự mở rộng của các điểm dân cư là rất cần thiết, tránh những sự phát triển lan tỏa, làm manh mún, chia cắt đồng ruộng.
Trong các đồ án vùng huyện giai đoạn trước, cũng đã đánh giá về mật độ dân cư/ xã nhưng chưa có phân tích theo điểm dân cư nên các vấn đề cần quản lý chưa được nhận diện rõ.
Một số đề xuất như sau:
1. Đề xuất quản lý phân vùng và khung cảnh quan vùng huyện:
a.Đề xuất phân vùng cảnh quan đi cùng với phân chia các tiểu vùng của vùng huyện:
Để việc kiểm soát đặc trưng cảnh quan được cụ thể cần chia các phân vùng cảnh quan ở các tiểu vùng. Ngoài 2 vùng khác biệt cơ bản là đô thị và nông thôn còn cần phân chia cụ thể hơn. Có thể chia theo điều kiện địa hình tự nhiên sông, hồ hoặc trồng trọt. Ví dụ: Vùng cảnh quan ven sông Đáy, sông Nhuệ, sông Hồng; vùng cảnh quan đặc trưng gò đồi, đồng bằng; vùng cảnh quan đồng ruộng, rừng, cây trồng lâu năm.
b. Xác định các yếu tố để tạo lập đặc trưng cảnh quan trong vùng như quy định các tuyến tầm nhìn ra các vùng cảnh quan đặc trưng; quy định việc trồng cây xanh dọc theo sông, kênh, ngòi, khu vực hồ nước; quy định tạo lập các công viên chuyên đề như công viên sinh thái, công viên nông nghiệp…Các minh họa và các chỉ tiêu cụ thể để kiểm soát được đặc trưng cảnh quan trong tiểu vùng.
c. Xác đinh các biện pháp bảo vệ đặc trưng cảnh quan của vùng do sự phát triển mới của các chức năng như cụm, khu công nghiệp…, cần tạo tuyến cây xanh bao bọc để hạn chế tầm nhìn, bảo vệ đặc trưng cảnh quan vùng.
Cần chú ý đề xuất chỉ tiêu, giải pháp kiểm soát:
+ Diện tích cây xanh thuần, công viên, rừng bảo tồn, khu bảo tồn sinh học..
+ Mặt cắt ngang điển hình của tuyến cây xanh dọc các kênh nước, ven sông.
+ Tầm nhìn ra vùng cảnh quan đặc trưng, chiều dài tối thiểu của tuyến quan sát dọc đường giao thông chính.
d. Việc thiết lập khung cảnh quan vùng huyện phải gắn với mục tiêu phát triển xanh, trong đó việc tiến tới xây dựng Hạ tầng xanh, gắn kết với tự nhiên, phục hồi môi trường sinh thái tự nhiên.
2. Về phân bố dân cư nông thôn
Đánh giá sự phân bố dân cư hiện trạng của các điểm dân cư nông thôn trên toàn huyện để từ đó đề xuất các định hướng quy hoạch và quản lý cho các đồ án cấp xã.
2.1. Các chỉ tiêu cần đánh giá:
* Đánh giá chỉ tiêu phân bố điểm dân cư:
+ Số lượng điểm dân cư: Chỉ tiêu này cho biết số lượng các điểm dân cư nhiều hay ít trong một xã, có xã chỉ một thôn, có xã nhiều thôn. Với xã nhiều thôn cần định hướng kết nối giữa các điểm dân cư hiện hữu, không phát triển mở rộng ra bên ngoài.
+ Khoảng cách giữa các điểm dân cư tập trung
+ Mật độ điểm dân cư tập trung  điểm/ km2
Hai chỉ số trên cho biết sự phân tán của các điểm dân cư hiện hữu, với mật độ thưa, khoảng cách lớn cần chú ý bố trí phân bố các điểm công trình hạ tầng xã hội hợp lý để đảm bảo khoảng cách phục vụ. Khi mở rộng đất ở cho các xã có chỉ tiêu này cao cũng cần tập trung lấp đầy các khoảng trống giữa các điểm dân cư hơn là tiếp tục mở rộng ra bên ngoài, trừ các xã có điều kiện địa hình cảnh quan đặc biệt cần gìn giữ.
* Đánh giá chỉ tiêu về điểm dân cư:
+ Diện tích các điểm dân cư tập trung
+ Mật độ cư trú bình quân ng/ điểm dân cư.
Chỉ số này cho biết sự tập trung dân cư/ điểm dân cư. Đây là chỉ số quan trọng để minh chứng cho sự cần thiết mở rộng quỹ đất ở mới hay không.
* Đánh giá về hình thái phát triển dân cư hiện hữu:
Các điểm dân cư nông thôn hiện nay tại Hà Nội hầu hết được hình thành từ hàng trăm năm, dựa trên cấu trúc phân nhánh kiểu cành cây của làng truyền thống. Tuy nhiên do các yếu tố địa hình, qua thời gian phát triển nên đến nay cấu trúc đó cũng khác nhau. Có điểm dân cư đã có đường bao, chuyển sang dạng mạng, có điểm còn nguyên dạng cành cây, có điểm kéo dài, dạng răng lược ven sống...Trong đồ án vùng huyện cần có đánh giá, nhận diện về đặc điểm chung phát triển hình thái, từ đó có định hướng cho công tác quy hoạch các xã về phát triển, kết nối với giao thông liên huyện, liên xã.
2.2.Ví dụ đánh giá phân bố dân cư và định hướng quản lý cho huyện Phú Xuyên (2):
a. Đánh giá về phân bố điểm dân cư
 - Số lượng điểm dân cư trên phạm vi 25 xã:
Tổng số điểm dân cư tập trung trên toàn huyện: 198 điểm; Bình quân số điểm dân cư tập trung / xã: 7.92 điểm
Đông nhất là xã Hồng Thái với 16 điểm dân cư tập trung. Thấp nhất là xã Sơn Hà với 2 điểm dân cư tập trung
- Khoảng cách giữa các điểm dân cư tập trung trong toàn huyện
Khoảng cách gần nhất giữa các điểm dân cư là 15m giữa các điểm dân cư xã Vân Từ, khoảng cách xa nhất là 1800m tại xã Đại Xuyên.
- Mật độ điểm dân cư tập trung/km2 toàn huyện
Cao nhất là tại khu vực các xã Quang Trung với mật độ 2.63 điểm/ km2, thập nhất là xã Nam Triều với mật độ 0.49 điểm/ km2. Trung bình là từ 0,8 điểm/ km2 đến 1,6  điểm/ km2.
b. Đánh giá về điểm dân cư hiện trạng
- Diện tích các điểm dân cư tập trung:
Trung bình từ  5ha đến 25ha. Trong khoảng từ 498 người/điểm dân cư tập trung  (tương đương138 hộ/ điểm dân cư tập trung) đến 3157 người/ điểm dân cư tập trung( tương đương 877 hộ/ điểm dân cư tập trung) Trung bình là 1296 (người/ điểm dân cư tập trung).
Lớn nhất là xã Bạch Hạ với 1 điểm dân cư tập trung với diện tích 88.5ha, nhỏ nhất là điểm dân cư thuộc xã Phú Túc với diện tích 0.48ha. Mật độ cư trú bình quân. Cao nhất tại các xã  thấp nhất tại các xã Sơn Hà, Bạch Hạ, Nam Triều, thấp nhất tại các xã Quang Trung, Hồng Thái, Vân Từ.


Bảng: Tổng hợp các chỉ tiêu điểm dân cư

 

 

 

 Nhận xét
Việc đánh giá cả về sự phân bố điểm dân cư sẽ cho kết quả nhận định rõ hơn là chỉ đánh giá mật độ dân cư đơn thuần cho một xã. Qua đánh giá sẽ cho thấy một số nội dung cần tập trung quản lý:
+ Từ sơ đồ trên có thể chia các xã làm 3 nhóm: Nhóm có mật độ cư trú cao, mật độ trung bình và mật độ cư trú thấp.
Qua sơ đồ cho thấy các xã như Hoàng Long, Văn Hoàng, Phượng Dực, Sơn Hà, Châu Can hiện có mật độ cư trú trên điểm dân cư là cao nhất, nếu có thêm các yêu cầu mở rộng đất ở cho dân cư do phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp thì  việc mở rộng đất ở đó là cần thiết.
Các xã như Bạch Hạ, Minh Tân, Phúc Tiến, Quang Trung…có mật độ cư trú thấp, vì vậy nhu cầu đất ở mới sẽ thấp hơn các nhóm có mật độ cư trú cao.
+ Các xã có nhiều điểm dân cư, các điểm dân cư lại có quy mô nhỏ (Tân Dân, Quang Trung, Đại Xuyên, Hồng Thái) là những xã có sự xen kẹt đất sản xuất, đất vườn nhiều, rất cần quan tâm quản lý tránh lấn chiếm hoặc chia nhỏ đất vườn thiếu kiểm soát.
+ Các xã có ít điểm dân cư, diện tích các điểm dân cư lớn, co cụm xã như Sơn Hà, Hồng Minh có thể xem xét phát triển ra phía vùng biên, kết hợp cải tạo hạ tầng ở vùng biên các điểm dân cư.
Những nhận định này là đối với nhu cầu ở do tách hộ, nhu cầu dân số tăng tự nhiên. Chưa tính đến các nhân tố khác như mở đường, phát triển công nghiệp…
Cũng cần căn cứ trên chỉ tiêu trong đồ án Điều chỉnh Quy hoạch vùng Thủ đô đã định hướng khu vực nông thôn có chỉ tiêu đất ở 130-160 m2/ người để làm giỡi hạn về phát triển đất ở mới cho các xã.
c. Hình thái các điểm dân cư tiêu biểu:
Qua phân tích trên địa bàn huyện Phú Xuyên, các điểm dân cư có các hình thái cơ bản:
- Dạng dân cư co cụm, phân nhánh cành cây kiểu truyền thống:
 Là điểm dân cư tập trung phổ biến hình thành trên cấu trúc các làng truyền thống. Hình thái giao thông dạng xương cá, dân cư co cụm. Trước đây có lũy tre bao bọc, có cổng làng. Bên trong làng có các công trình tôn giáo tín ngưỡng như đình, chùa, miếu, các công trình công cộng mới như UBND, trường học, nhà văn hóa xã thường bố trí ở biên khu dân cư cũ. Nhiều điểm dân cư có các đường ngõ cụt, giao thông đi bộ là chủ yếu.
- Dạng dân cư có hình thái kéo dài dạng răng lược:
Cũng là các điểm dân cư hình thành từ truyền thống nhưng phát triển kéo dài do địa hình, phát triển ven sông, cấu trúc dạng răng lược. Xã có điểm dân cư kéo dài đến 2 km như Bạch Hạ, dạng phát triển này có bán kính phục vụ của các công trình hạ tầng xã hội bị kéo dài.
Ngoài ra còn có các khu vực dân cư nhỏ hình thành gần đây, có dạng kéo dài thêm bám theo trục đường huyện, xã.

 Mạng lưới giao thông có một số dạng:
+ Dạng có trục giao thông chính trong điểm dân cư, có hệ thống đường bao kết nối với các dạng xương cá. Đây là dạng phát triển khá tốt, có khả năng thu gom nước mưa, nước thải qua các rãnh dọc đường.
+ Dạng có trục giao thông phân nhánh kiểu cành cây hoàn toàn, không có đường bao, nhiều ngõ cụt. Dạng này sẽ gặp khó khăn trong thu gom nước thải, tiếp cận giao thông cơ giới.
+ Một số xã có đường liên xã, huyện nối nhiều xã trùng với đường trục chính của thôn. Dạng phát triển này có hạn chế vì giao thông đi qua giữa thôn, dễ gây tai nạn giao thông, cần tách ra đi theo đường bao thôn.
Định hướng và yêu cầu về quản lý:
Với nhận xét đánh giá các đặc điểm hình thái các điểm dân cư hiện này là cơ sở để định hướng cho quy hoạch cấp xã đối với điểm dân cư:
+ Không tiếp tục phát triển các hình thái dân cư kéo dài.
+ Uư tiên phát triển lấp đầy, giảm đất xen kẹt trong xã trước khi mở rộng đất ở mới.
+ Không làm đường liên xã, huyện trùng với đường trục chính thôn vì khi mở rộng rất khó giải tỏa. Kết nối đường thôn, xã với giao thông liên xã, huyện qua đường bao thôn.
+ Chuyển đổi từ cấu trúc giao thông phân nhánh cành cây sang giao thông mạng, hạn chế ngõ cụt. Có sự liên kết mạng lưới giao thông với mạng cấp thoát nước.
+ Xây dựng hệ thống đường bao thôn kết hợp cống, mương bao để thu gom hết nước thải. Tùy theo hình thái mà đường bao thôn có thể khép kín liên tục hoặc khép kín theo nhiều đoạn.
+ Gìn giữ các ao hồ bên trong điểm dân cư và mở rộng ao hồ vùng biên để tạo môi trường cảnh quan cho điểm dân cư. (1)
        Kết luận
Việc bổ sung các quy định quản lý về phân bố điểm dân cư, khung cảnh quan vùng huyện trong các đồ án quy hoạch vùng huyện là cần thiết. Các chỉ tiêu kiểm soát và các khung phát triển sẽ bổ sung cho công cụ quản lý quy hoạch hiện nay.
Việc bổ sung có thể thông qua các khung hướng dẫn quản lý quy hoạch để các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, các đơn vị quản lý lập quy hoạch cấp thành phố, huyện, xã thống nhất về các nội dung quản lý trong các đồ án quy hoạch và triển khai quy hoạch trên địa bàn vùng huyện.
 
(*) Bài viết tham dự Hội thảo: Quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan các huyện của thành phố Hà Nội – Thực trạng và giải pháp. Tháng 3. 2023. Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội tổ chức.
Tài liệu tham khảo:
(1) Phạm Hùng Cường. Quy hoạch và gìn giữ bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sống Hồng.  Nhà xuất bản Xây dựng, năm 2021
(2) Bài viết có tham khảo tư liệu của nhóm tư vấn lập đồ án QHXD vùng huyện Phú Xuyên.
PGS.TS Phạm Hùng Cường

LOGO ĐỐI TÁC - KẾT NỐI GIÁ TRỊ