(+84 4) 36288 549

hoimoitruongxdvn@gmail.com

Số 55 đường Giải phóng - Hà Nội

Hội thảo tham vấn nội dung Chất lượng không khí trong nhà trong dự thảo Quy chuẩn QCVN 04:202x/BXD

Ngày 7/4/2023, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp thuộc Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn nội dung “Chất lượng không khí trong nhà” trong dự thảo Quy chuẩn QCVN 04:202x/BXD” với mục đích giới thiệu, trao đổi, thảo luận những nội dung liên quan đến quy định kỹ thuật về chất lượng không khí trong nhà ở và công trình công cộng ở “Phần 1 – Công trình kết cấu dạng nhà” của QCVN 04:202x/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình dân dụng.


Tham dự hội thảo, về phía Bộ Xây dựng có PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường; đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, hội, hiệp hội chuyên ngành, các đơn vị tư vấn thiết kế và quản lý công trình xây dựng, các hãng sản xuất - phân phối thiết bị thông gió - điều hòa không khí, thiết bị lọc khí; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, môi trường.


Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Vũ Ngọc Anh cho biết, môi trường không khí trong nhà có nhiều thông số ảnh hưởng đến sức khỏe con người như CO2, bụi PM2.5, bụi PM10, formaldehyt, tổng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (TVOC), tổng vi khuẩn trong không khí,… Những giới hạn về các thông số chất lượng không khí trong nhà đã được đưa vào tiêu chuẩn TCVN 13521:2022. Tuy nhiên, TCVN chỉ có tính chất khuyến cáo và hướng dẫn, không có tính bắt buộc. Do đó, rất cần thiết xem xét đưa một số nội dung quy định về chất lượng không khí vào Quy chuẩn để mang tính bắt buộc áp dụng thống nhất trên cả nước.
 

 

Thay mặt đơn vị chủ trì soạn thảo nội dung “Chất lượng không khí trong nhà” trong dự thảo Quy chuẩn QCVN04:202x/BXD, TS. Phạm Thị Hải Hà - Trưởng bộ môn Kiến trúc môi trường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội trình bày tóm tắt dự thảo phần “Chất lượng không khí trong nhà”. Bà cho biết: trong ba Hội thảo khoa học giới thiệu TCVN 13521:2022 ở Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh vào đầu tháng 11/2022 với gần 700 đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, hơn 90% đại biểu khẳng định sự cần thiết đưa các thông số về chất lượng không khí trong nhà vào quy chuẩn Việt Nam để tăng tính bắt buộc áp dụng, giúp đảm bảo tiện nghi, sức khỏe và chất lượng môi trường sống của người sử dụng công trình xây dựng.
Theo bà Nguyễn Trinh Hương, chuyên gia của Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp và ông Philip Ong, các nước lân cận Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Singapore đều có quy định bắt buộc về nồng độ giới hạn của các thông số chất lượng không khí trong nhà. Phạm vi áp dụng ở mỗi nước cũng khác nhau: quy định chung cho các loại công trình dân dụng, quy định riêng cho nhà ở, hoặc trường học, hoặc cho một số loại công trình/ không gian công cộng, v.v.
Đánh giá ảnh hưởng của chất lượng không khí trong nhà tới sức khỏe con người, TS.BS. Trịnh Hồng Lân - Giám đốc Phân viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Nam cho biết, sự gia tăng hàm lượng CO2 trong không khí có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người. Còn các loại bụi PM 2.5, PM 10, nếu tiếp xúc trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới cơ quan hô hấp, tim mạch, nguy cơ ung thư, giảm tuổi thọ. Một số hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như benzen, formaldehyt có thể gây ra độc tố và gây ảnh hưởng đến các cơ quan và chức năng của cơ thể như gây ung thư, suy giảm chức năng gan và thận.
Trình bày Báo cáo tham luận tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng trường Kỹ thuật cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định, phần lớn hệ thống thông gió – điều hòa không khí trong công trình dân dụng ở nước ta mới đáp ứng được yêu cầu về tiện nghi nhiệt, chưa đảm bảo chất lượng không khí. Thiết kế hệ thống thông gió không đúng cách sẽ đưa các nguồn ô nhiễm vào bên trong nhà, chưa kể các nguồn ô nhiễm không khí tồn tại bên trong, nếu không có hệ thống thông gió xử lý thì các nguồn ô nhiễm này sẽ không được đẩy ra khỏi nhà dẫn tới nồng độ các chất ô nhiễm trong nhà ngày càng tăng.
Phát biểu góp ý tại Hội thảo, ông Yannick Millet, đại diện của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam cho biết hệ thống công trình xanh LOTUS và các hệ thống xếp hạng công trình xanh, công trình tốt cho sức khỏe ở trên thế giới hiện nay đã, đang cố gắng giải quyết những vấn đề liên quan đến chất lượng không khí trong nhà và sức khỏe của người sử dụng bằng cách bảo đảm môi trường xây dựng lành mạnh hơn.

 

 

Cùng với sự nhất trí ban hành quy định bắt buộc tuân thủ những thông số chất lượng không khí trong nhà quan trọng nhất, các chuyên gia cũng góp ý đơn vị soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét đưa ra lộ trình áp dụng hợp lý nhằm đảm bảo tính hiệu quả và nâng cao tính khả thi của Quy chuẩn.

 

 

Kết thúc hội thảo, TS. Đinh Quốc Dân, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Bộ Xây dựng, đại diện đơn vị chủ trì biên soạn Quy chuẩn QCVN 04:202x cho biết sẽ tổng hợp và nghiên cứu, tiếp thu mọi ý kiến đóng góp và sẽ tham vấn các cơ quan quản lý nhằm hoàn chỉnh dự thảo Quy chuẩn QCVN 04:202x/BXD trên cơ sở đảm bảo tính hài hòa, đồng bộ với các quy định liên quan; đồng thời mong muốn trong thời gian tới, các chuyên gia tiếp tục đồng hành, hỗ trợ trong việc hoàn thiện các cơ chế chính sách, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành Xây dựng.


                                                                                                                      TS, Nguyễn Thị Hải Hà
                                                                                                            Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam
 

LOGO ĐỐI TÁC - KẾT NỐI GIÁ TRỊ