(+84 4) 36288 549

hoimoitruongxdvn@gmail.com

Số 55 đường Giải phóng - Hà Nội

GS. PHẠM NGỌC ĐĂNG

GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng -
Chủ tịch sáng lập – Chủ tịch danh dự  Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam


Sinh ngày 10-10-1937 trên mảnh đất Cố Đô bên dòng sông Hoàng Long, một mảnh đất giàu truyền thống hiếu học của tỉnh Ninh Bình, GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng luôn nỗ lực học tập, rèn luyện và vượt qua gian khổ để trở thành một nhà khoa học đầu ngành về vật lý xây dựng và kỹ thuật môi trường. Ông là một trong các nhà khoa học đã đặt nền móng cho sự phát triển của hai bộ môn “Vật lý Kiến trúc - Kiến trúc xanh” và “Môi trường Không khí - quản lý Môi trường Đô thị và Công nghiệp”. Sau gần 60 năm công tác, ông đã có 20 đầu sách khoa học chuyên ngành được xuất bản và khoảng 180 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên môn ở trong nước và trên thế giới. GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng nhận giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2004 và  được trao huy hiệu 55 năm tuổi Đảng năm 2017.


Ông được cấp bằng Phó Tiến sĩ (nay gọi là Tiến sĩ) năm 1973, bằng Tiến sĩ khoa học (TSKH) năm 1978, được phong học hàm Phó Giáo sư năm 1984, Giáo sư năm 1991 và được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2002. Những kết quả nghiên cứu trong luận án TSKH của ông ở trường Đại học Xây dựng Moskva (1978) do VS.GS.TSKH V.N. Bogoslopski hướng dẫn, đã được nhiều nước chấp nhận đưa vào tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về vi khí hậu và nhiệt kỹ thuật công trình của họ, như là “Điều kiện tiện nghi nhiệt của người Việt Nam” được dùng làm điều kiện cơ sở cho

TCXDVN 306:2004/BXD “Nhà ở và công trình công cộng - các thông số vi khí hậu trong phòng”; Phương pháp và công thức tính lượng nhiệt bức xạ mặt trời chiếu qua cửa sổ có kết cấu che nắng vào nhà được chấp nhận đưa vào Tiêu chuẩn thiết kế xây dựng của Liên Bang Nga (СНиП 2.04.05-91, Москва 1993г); Phương pháp và công thức tính toán nhiệt độ phòng (operative temperature) là hàm số của hệ số tốc độ không khí trong phòng, phụ thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm, và nhiệt độ bức xạ của các bề mặt kết cấu bao che, đã được chấp nhận đưa vào Tiêu chuẩn thiết kế xây dựng của Liên Bang Nga (ГOCT-30494-2011, Москва 2013г) và đưa vào Tiêu chuẩn BSR/ASHRAE Standard- 55P-1992R của Mỹ.


GS Phạm Ngọc Đăng cùng với các cộng tác viên (PGS.TS Lê Văn Nãi và GVCC Hoàng như Tầng) được Ủy ban KH&KT NN cấp giấy chứng nhận quyền tác giả số 85-52-014, ngày 26/1/1980 về công trình “Thiết kế mái nhà nhiệt đới” và cùng các cộng tác viên (PGS.TS Vũ Công Hòe, PGS.TS Nguyễn Bá Toại và PGS.TS Bùi Sỹ Lý) được Bộ KHCN&MT cấp bằng độc quyền sáng chế số 5710, theo Quyết định số 5508/QĐ-SHTT, ngày 12/6/2006, đối với “Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại CEETIA -150”. Đây là lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại đầu tiên do người Việt tự thiết kế, chế tạo và vận hành, đạt tiêu chuẩn quốc tế, được lắp đặt và sử dụng từ đó đến nay tại Khu Liên hợp Xử lý Chất thải Nam Sơn, Hà Nội.


Ông là một trong những thày giáo đầu tiên của Bộ môn Kiến trúc, trường Đại học Bách khoa Hà Nội (Bộ môn Kiến trúc được thành lập tháng 10/1959, là tiền thân của Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng ngày nay), là Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn Vật lý Kiến trúc, hiện nay là Bộ môn Kiến trúc môi trường (1967-1969 và 1973-1975), là Chủ nhiệm khoa thứ 2 của Khoa Kiến trúc (1978 -1979), là Hiệu trưởng thứ 3 của trường Đại học Xây dựng Hà Nội (1982-1990).


Ông đã được Thủ Tướng Chính phủ bổ nhiệm các chức vụ: Tổng thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước (1990-1997), kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng GS liên ngành Xây dựng-Kiến trúc (1992-2008); Ủy viên Hội đồng Bảo vệ Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (1993-2003); Ủy viên Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao Năng lực Cạnh tranh từ 2009 đến nay.


Ông là người chủ trì thành lập Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam năm 1984. Là Chủ tich Hội Môi trường Xây dựng từ năm 1984 đến năm 2016.
Những năm tháng phấn đấu và cống hiến


Năm 1959, ông tốt nghiệp khóa 1 trường ĐHBK và được giữ lại làm giảng viên để thành lập Bộ môn Kiến trúc do thày Nguyễn Sanh Dạn (nguyên Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Xây dựng) làm chủ nhiệm. Từ năm 1965-1966 ông là Trưởng phòng Thiết kế của trường ĐHBK Hà Nội.
Năm 1966, khoa Xây dựng tách khỏi trường ĐHBK để thành lập trường Đại học Xây dựng (ĐHXD). Những năm đầu mới thành lập trường ĐHXD, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng vừa đảm nhận chức vụ Chủ nhiệm bộ môn Vật lý Kiến trúc, kiêm Phó phòng Quản lý Khoa học và kiêm nhiệm Trưởng phòng Thiết kế.


Thời kỳ 1960-1966, ông là thày giáo duy nhất ở Việt Nam giảng dạy môn Vật lý kiến trúc cho sinh viên các ngành Kiến trúc, Xây dựng dân dụng và công nghiệp.


Năm 1966-1967 ông biên soạn và cho xuất bản bộ giáo trình Vật lý kiến trúc đầu tiên của Việt Nam, gồm 3 tập sách: Vật lý kiến trúc tập I – Nhiệt kiến trúc, Vật lý kiến trúc tập II – Chiếu sáng kiến trúc, Vật lý kiến trúc tập III – Âm học kiến trúc. Năm 1981 ông cùng với NGND Nguyễn Sanh Dạn và PGS.TS Phạm Đức Nguyên biên soạn lại bộ giáo trình trên, đó là bộ giáo trình Vật lý Kiến trúc – Vật lý Xây dựng được xuất bản lần thứ 2. Ông cũng là người biên soạn các sách chuyên khảo và giáo trình giảng dạy đầu tiên ở nước ta đối với các môn học Môi trường Không khí, Quản lý Môi trường đô thị và công nghiệp. Các sách giáo trình và chuyên khảo này đã được tất cả các trường Đại học ở Việt Nam có đào tạo các ngành Xây dựng, Kiến trúc và Môi trường sử dụng làm giáo trình giảng dạy cho sinh viên và nghiên cứu sinh. Với một số thiết bị cơ bản do Liên Xô viện trợ, kết hợp với đăng ký liên tục chủ trì các đề tài NCKH để có kinh phí mua sắm bổ sung thêm các thiết bị, ông đã tạo lập được phòng thí nghiệm Vật lý kiến trúc, bảo đảm giảng dạy lý thuyết kết hợp chặt chẽ với thực hành thí nghiệm đo lường thực tế. Ông đã tham gia đào tạo hàng nghìn kỹ sư, kiến trúc sư, rất nhiều thạc sỹ và đặc biệt đã hướng dẫn chính thành công 6 tiến sỹ chuyên ngành.


Chuyển hướng nghiên cứu các vấn đề khoa học kỹ thuật môi trường vĩ mô, cấp bách của quốc gia
Năm 1978 ông bảo vệ thành công luận án TSKH ở Liên Xô trước thời hạn và về nước tiếp tục làm việc tại trường Đại học Xây dựng.
Năm 1986, ở nước ta xảy ra sự cố nổ điện, phá hỏng hoàn toàn thiết bị lọc bụi tĩnh điện của nhà máy Xi măng Hoàng Thạch ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Hàng ngày, nhà máy thải qua ống khói khoảng 100 tấn bụi, gây ô nhiễm không khí trầm trọng cho các vùng xung quanh. UBND tỉnh Hải Hưng, tỉnh Quảng Ninh đã gửi thư khiếu nại về tình trạng ô nhiễm môi trường lên Quốc hội và Chính phủ. Ông được giao chủ trì nhiệm vụ: “Nghiên cứu đánh giá mức độ ô nhiễm, thiệt hại về sức khỏe và kinh tế đối với nhân dân vùng lân cận nhà máy Xi măng Hoàng Thạch và đề xuất phương án giải quyết”.  Kết quả của đề tài đã là cơ sở để nhà nước điều chỉnh phương án hoạt động và đền bù thỏa đáng cho người dân.


Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ XX, do Trung Quốc thiết kế xây dựng với công nghệ lạc hậu, không bảo đảm môi trường. Trước năm 1995, Nhà máy là một trong các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọngnằm trong Danh mục phải triệt để xử lý theo Quyết định của Thủ Tướng Chính phủ. Ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất giải pháp khắc phục ô nhiễm của nhà máy này. Trên cơ sở kết quả khảo sát môi trường thực tế, nghiên cứu lý thuyết và tiến hành thí nghiệm thủy động học trên máng thủy lực, ông đã đưa ra các giải pháp và Bộ Năng lượng đã triển khai áp dụng, khắc phục được hoàn toàn tình trạng ô nhiễm môi trường của nhà máy Nhiệt Điện Ninh Bình.


Từ đây, ông nhận thấy vấn đề bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước là rất cấp thiết. Trên cơ sở khoa học cơ bản về vật lý xây dựng và khoa học môi trường trong công trình, ông đã tự trau dồi kiến thức và chuyển hướng nghiên cứu sang các vấn đề có tính vĩ mô, cấp bách của quốc gia. Ông đã thành lập Trung tâm Môi trường đô thị và Khu công nghiệp, thành lập  Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam từ những nhận thức và mong mỏi đóng góp được nhiều với sự phát triển bền vững của đất nước.


Các công trình khoa học tiêu biểu
Trong thời kỳ đổi mới đất nước (từ năm 1990 - 2008), ông đã chủ trì 6 đề tài nghiên cứu khoa học thuộc các Chương trình khoa học cấp Nhà nước và trên 30 đề tài khoa học cấp Bộ, điển hình như: Đánh giá diễn biến và dự báo môi trường hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường; Nghiên cứu đánh giá diễn biến môi trường và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Việt Trì; Nghiên cứu thiết kế và chế tạo lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại; Đề án bảo vệ môi trường Phú Quốc và Đề án bảo vệ môi trường Côn Đảo đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.


Những năm gần đây, ông đã chủ trì thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học của Bộ Xây dựng như xây dựng Quy chuẩn Quốc gia về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; Chiến lược Quốc gia về phát triển công trình xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đồng thời tham gia nghiên cứu đề tài “Xây dựng Quy chuẩn Việt Nam về công trình sử dụng năng lượng có hiệu quả”. Chủ trì Đề tài “Xây dựng phương pháp Kiểm toán năng lượng đối với công trình dân dụng”. Bên cạnh đó, ông đã tham gia hoặc chủ trì nghiên cứu, xây dựng rất nhiều đề án bảo vệ môi trường, đánh giá, phân tích môi trường và xây dựng nhiều quy chuẩn/tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia của ngành môi trường. Chủ biên và phối hợp với PGS.TS Nguyễn Việt Anh, ThS.KTS Phạm Thị Hải Hà và TS Nguyễn Văn Muôn biên soạn và cho xuất bản sách “Các giải pháp thiết kế Công trình Xanh ở Việt Nam” với nội dung rất có giá trị đối với những người thiết kế và nghiên cứu công trình xanh ở nước ta. Từ năm 1966-2005, ông luôn chủ trì biên soạn Báo cáo Môi trường Việt Nam hàng năm của Bộ TN&MT để trình Quốc hội. Sau năm 2005 đến nay, ông vẫn tiếp tục tư vấn cho Tổng cục Môi trường trong việc xây dựng Báo cáo Môi trường Việt Nam hàng năm.


Không chỉ làm nghiên cứu khoa học, ông còn tích cực tham gia xây dựng các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường của quốc gia, như Luật bảo vệ môi trường (1994, 2005, 2014); Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21); Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Chủ trì thực hiện xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường khu công nghiệp/cụm công nghiệp đến năm 2020; Chiến lược phát triển công nghệ môi trường Việt Nam giai đoạn 2009-2015, định hướng đến năm 2020.


Trách nhiệm của nhà quản lý
Được Nhà nước cho đi nước ngoài học tập nghiên cứu, ông cứ đinh ninh trong lòng là sẽ về chuyên làm khoa học, phục vụ đất nước. Nhưng ngay sau khi nhận bằng TSKH ở Liên Xô về nước (1978), sau 1 năm ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng (từ năm 1980-1981), rồi Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội (từ năm 1982-1990).


 Năm 1990, ông được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký đầu tiên của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Tuy bận rộn tiếp tục kiêm nhiệm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhưng ông vẫn chú trọng đến việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy và nề nếp làm việc của Hội đồng GS Nhà nước, tham khảo các tài liệu của nước ngoài để trực tiếp dự thảo các văn bản quy định, tiêu chuẩn và thủ tục xét phong PGS, GS của Hội đồng. Tính đến nay đã 27 năm Hội đồng Giáo sư hoạt động, những vấn đề cơ bản về quy chế hoạt động của Hội đồng GS vẫn được phát huy cho tới ngày nay.


Mặc dù đã bước sang tuổi 80 (1937- 2017), ông vẫn miệt mài say mê nghiên cứu khoa học. Năm 2017 và năm 2018,  Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng vẫn tín nhiệm giao cho ông chủ trì 2 đề tài NCKH cấp Bộ. Không quản tuổi đã cao ông đang tích cực hoạt động cùng với các cộng tác viên của Hội Môi trường Xây dựng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, và của trường ĐHXD để hoàn thành tốt 2 đề tài NCKH này.


Thành lập Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam
Năm 1984 cùng với các nhà khoa học, nòng cốt là các cán bộ của Trung tâm Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp, Khoa Kỹ thuật Môi trường thuộc trường Đại học Xây dựng ông đã tổ chức thành lập Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam. Hội đã có nhiều hoạt động trong nghiên cứu khoa học, phản biện chính sách, tập hợp được nhiều nhà khoa học cùng tham gia.


Với hơn 30 năm hoạt động tại Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam với vai trò là Chủ tịch Hội,  GS. Phạm Ngọc Đăng là người lãnh đạo tâm huyết, là nhà khoa học có uy tín cao, luôn hết lòng vì Hội, ông đã tạo dựng được nền tảng hoạt động vững chắc cho Hội môi trường Xây dựng Việt Nam phát triển.
 

Năm 2007, GS. Phạm Ngọc Đăng tham dự cuộc họp Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước do Phó Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân chủ trì

 



 

LOGO ĐỐI TÁC - KẾT NỐI GIÁ TRỊ