Tin tức
Thứ Ba, 1/5/2018
Bàn về quy hoạch điện lực II
Góp ý cho mục tiêu tổng quát của Quy hoạch Điện II nhằm tiến tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH của quốc gia.
Insufficiencis of National Electrical VII Plan for Comperision with Orient of Sustainable Development, Strategy of Green Growth and
Responding to Climate change
Prof. Dr. of Sc. Pham Ngoc Dang
----------------------------------------------------------------------------------------------------
BẤT CẬP CỦA QUY HOẠCH ĐIỆN LỰC VII (điều chỉnh) SO VỚI
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, CHIẾN LƯỢC TĂNG TRƯỞNG XANH VÀ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch (điều chỉnh) phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 [3], (sau đây viết tắt là Quy hoạch Điện VII) là: “Huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển điện lực để bảo đảm cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao, giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; sử dụng đa dạng, hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện; đẩy mạnh phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, từng bước nâng cao tỷ trọng nguồn điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm nhẹ sự phụ thuộc vào nguồn điện sản xuất từ than nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hình thành và phát triển hệ thống điện thông minh, có khả năng tích hợp với nguồn năng lượng tái tạo có tỷ lệ cao”. Đọc và suy xét mục têu tổng quát nêu trên ta thấy thật là tuyệt vời, hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH của quốc gia. Nhưng nếu xem xét các mục tiêu cụ thể của Quy hoạch Điện VII [3] đề ra thì không phải như vậy. Các mục tiêu cụ thể về phát triển điện lực theo các loại năng lượng của Quy hoạch Điện VII được tóm tắt trong bảng 1 dưới đây.  
Bảng 1. Tổng điện năng sản xuất và  nhập khẩu và tỷ lệ đóng góp của các loại năng lượng,
TT Các loại năng lượng 2020 2025 2030
1 Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu (tỷ kWh) 272 437 572
2 Nhiệt điện than (tỷ lệ đóng góp %) 42,7 49,3 53,2
3 Nhiệt điện khí TN và LNG (tỷ lệ đóng góp %) 16,6 15,6 16,8
4 Thủy điện (tỷ lệ đóng góp %) 29,5 21,5 12,4
5 Điện gió (tỷ lệ đóng góp %) 0,8   2,1
6 Điện mặt trời (tỷ lệ đóng góp %) 0,5   3,3
7 Điện sinh khối (biomass) (tỷ lệ đóng góp %) 1,0   2,1
8 Điện hạt nhân (tỷ lệ đóng góp %) 0,0 0,0 5,7
9  Điện nhập khẩu (tỷ lệ đóng góp %) 2,4 1,6 1,2
Để thực hiện được các mục tiêu cụ thể của Quy hoạch điện VII cho trong bảng 1 ở trên thì từ năm 2016 đến năm 2030 (15 năm) phải đầu tư xây dựng mới 75 nhà máy nhiệt điện than loại lớn (công suất thường là 600 MW). Như vậy mỗi năm trung bình có thêm 5 nhà máy nhiệt điện than mới. Về kinh phí từ nay đến năm 2030 cần phải đầu tư thực hiện Quy hoạch Điện lực này khoảng 148 tỷ USD (mỗi năm cần chi khoảng 9,87 tỷ USD) và cần phải đáp ứng nhu cầu cấp than cho trong bảng 2 dưới đây. Nhu cầu nhập khẩu than rất lớn, năm 2016 là 1,3 triệu tấn, năm 2020 là 24,5 triệu tấn, năm 2025 là 56,2 triệu tấn và đến năm 2030 lên tới 85,2 triệu tấn, gần bằng 2 lần tổng lượng than được sản xuất ở trong nước..
Bảng 2. Nhu cầu than cung cấp cho sản xuất điện theo Quy hoạch Điện lực VII (triệu tấn):
TT Nhu cầu than 2016 2017 2018 2019 2020 2025 2030
1 Tổng nhu cầu 33,2 39,0 45,6 55,3 63,5 95,1 129,6
2 Sản xuất trong nước 31,9 34,7 35,8 37,6 38,9 39,0 44,4
3 Nhu cầu nhập than 1,3 4,3 9,8 17,7 24,5 56,2 85,2
Phân tích các chỉ tiêu cụ thể của Quy hoạch Điện lực VII cho trong bảng 1 và bảng 2 ở trên ta thấy Quy hoạch Điện lực VII (điều chỉnh) có một số bất cập so với đường lối BVMT, PTBV và ứng phó với BĐKH như sau:
  • Tỷ lệ nhiệt điện than quá cao, sẽ gây ra ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, làm suy thoái các hệ sinh thái dưới nước và trên cạn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và phát thải khí nhà kính vượt xa các mục tiêu mà nước ta đã hứa hẹn với thế giới.
Về khí thải: Theo số liệu ở bảng 2 năm 2020 nhiệt điện than sẽ đốt 63,5 triệu tấn than và năm 2030 sẽ đốt 129,6 triệu tấn than.  Theo số liệu Báo cáo của Viện Năng lượng VN, 2015, thì nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn nhất các chất gây ô nhiễm môi trường không khí, gồm bụi, SO2, NOx, CO và CO2. Lượng phát thải các chất ô nhiễm không khí do nhiệt điện than gây ra được dự báo tăng liên tục đến năm 2030, phát thải bụi tăng lên khoảng 46,8 nghìn tấn, gấp 11,6 lần so với năm 2014; phát thải SO2 tăng lên khoảng 268,9 nghìn tấn, gấp 7,3 lần so với năm 2014; phát thải khí NOx tăng lên khoảng 362 nghìn tấn, gấp 4,5 lần so với năm 2014. Gia tăng phát thải các chất gây ô nhiễm không khí từ nhiệt điện than sẽ gây ra tác hại rất lớn tới sức khỏe con người. Đặc biệt là phát thải SO2 và NOx từ nhiệt điện than là một nguyên nhân gây ra mưa và lắng đọng axit, có thể tàn phá rừng và các hệ sinh thái nông nghiệp. Nhiệt điện than phát thải bụi siêu nhỏ PM2.5, PM5.0, là loại bụi cực kỳ nguy hại cho sức khỏe con người. Đáng lưu ý hơn là các chất ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện than thải ra có thể được gió lan truyền đi xa hàng chục và có khi hàng trăm cây số. Điều này có nghĩa là ô nhiễm không khí và tác động sức khỏe của các nhà máy nhiệt điện than không chỉ giới hạn ở những nơi nhà máy được xây dựng mà có thể ảnh hưởng tới các tỉnh/thành lân cận. Như vậy, đến năm 2030 khi khoảng 150 nhà máy điện than được xây dựng và vận hành ở khắp ba miền của cả nước thì đây sẽ là nỗi lo ngại rất chính đáng của mọi người. Trong Hội thảo quốc tế “Than- Nhiệt điện than: những điều chưa biết”, ngày 29/9/2015 tại Hà Nội, do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) và Đại học Harvard (Hoa Kỳ) tổ chức, ông Lauri Myllyvirta đã cảnh báo: “Trong tổng số người Việt Nam bị chết yểu do ô nhiễm không khí, có đến 4.300 người được xác định có liên quan đến khí thải từ các dự án nhiệt điện than. Đây là con số của năm 2011, dự báo khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam sẽ tăng lên gấp 3 lần vào năm 2030, và khi đó sẽ có khoảng 25.000 người chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm”.  Nhiệt điện than là nguồn phát thải rất lớn khí CO2, nguyên nhân gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu và BĐKH. Phát thải CO2 từ nhiệt điện vào năm 2030 dự kiến tăng lên 303 tỷ tấn, gấp khoảng 4 lần so với năm 2014. Hiện tại ngành năng lượng đang là ngành phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm 53,05% năm 2010. Với kế hoạch phát triển năng lượng như Quy hoạch Điện VII thì đến năm 2030 ngành năng lượng sẽ chiếm 80% trong tổng phát thải khí nhà kính. Trong khi đó Nhiệm vụ đầu tiên của Chiến lược “Tăng trưởng Xanh”[1] đã đặt ra là “Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, theo những chỉ tiêu chủ yếu sau:
Giai đoạn 2011 - 2020: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 - 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm. Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% đến 20% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó mức tự nguyện khoảng 10%, 10% còn lại là mức phấn đấu, khi có thêm hỗ trợ quốc tế.
Định hướng đến năm 2030: Giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5 - 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20% đến 30% so với phương án phát triển bình thường. Trong đó mức tự nguyện khoảng 20%, 10% còn lại là mức, khi có thêm hỗ trợ quốc tế.
Định hướng đến năm 2050: Giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 1,5 - 2%.
Như vậy Quy hoạch phát triển Điện VII hoàn toàn không phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25-9-2012, của Thủ Tướng Chính Phủ [1].
Về nước thải: Hoạt động sản xuất điện than yêu cầu một lượng nước rất lớn cho quá trình làm mát thiết bị. Một nhà máy điện than điển hình với công suất 1.200 MW trung bình cần khoảng 4,7 triệu m3 nước/ngày đêm cho hoạt động làm mát thiết bị, gấp khoảng 4 lần nhu cầu tiêu thụ nước của thành phố Hà Nội được quy hoạch vào năm 2020 và thải ra môi trường nước tương tự lượng nước đó với nhiệt độ thường cao hơn khoảng 80C so với nước đầu vào. Sự gia tăng đột ngột nhiệt độ nước sẽ gây ra hiện tượng sốc nhiệt đối với các sinh vật sống dưới nước, gia tăng các loài thủy tảo độc và giảm nồng độ oxy hòa tan (DO) trong nước. Đặc biệt là nhiệt độ nước cao có thể gây nên hiện tượng tẩy trắng san hô, gây thiệt hại cho các bãi nuôi trồng thủy hải sản và làm suy giảm các hệ sinh thái nhạy cảm trong môi trường nước.  Các nhà máy nhiệt điện than thải nước nóng còn gây tổn hại cho trứng cá, ấu trùng, và sinh vật thủy sinh khác. Đến năm 2030, với công suất điện than dự kiến đạt 55.300 MW, nhu cầu tiêu thụ nước cho mục đích làm mát của các nhà máy nhiệt điện than ước tính lên tới 216 triệu m3/ngày đêm [6] là mối nguy hại rất lớn đối vơi các hệ sinh thái dưới nước và ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Chất thải rắn: Theo số liệu của Viện Năng lượng VN, năm 2012 tổng lượng tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than là khoảng 4 triệu tấn, năm 2013 con số này tăng lên 8,5 triệu tấn, tăng gấp đôi chỉ trong vòng 1 năm. Ước tính, tổng lượng tro xỉ có thể tăng lên khoảng 55 triệu tấn vào năm 2020 và 115,5 triệu tấn vào năm 2030. Hơn nữa, diện tích đất cần thiết để lưu chứa lượng chất thải rắn này cũng tăng lên đến 1.634 ha năm 2020 và lên đến 2.840 ha năm 2030. Hầu hết diện tích đất này là đất nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến quỹ đất sản xuất đang ngày càng bị thu hẹp của người dân và gia tăng chi phí cho bảo vệ môi trường.
                 
                        Nhà máy nhiệt điện than đang thải khí ô nhiễm môi trường
  • Quy hoạch Điện VII không bảo đảm an ninh năng lượng và gây thiệt hại rất lớn về kinh tế lâu dài: Quy hoạch Điện VII phải dựa vào lượng than nhập khẩu từ nước ngoài là chính (từ năm 2022 trở đi lượng than cần nhập khẩu đều lớn hơn tổng lượng than sản xuất trong nước, năm 2030 lượng than cần nhập khẩu lớn hơn 2 lần lượng than sản xuất trong nước). Như vậy ngành năng lượng của nước ta phụ thuộc vào thị trường than và hoạt động giao thông vận tải của thế giới, có nghĩa là phụ thuộc vào tình hình an ninh chính trị khu vực và thế giới. Giả dụ có xảy ra sung đột quân sự hay chiến tranh trên biển và khu vực thì nước ta sẽ đương nhiên mất an ninh năng lương.
Theo Quy hoạch Điện VII từ nay đến 2030 ngày càng tăng nhanh tỷ trọng nhiệt điện than, đi ngược chiều với su hướng phát triển ngành năng lượng của thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế thì bình quân tỷ trọng nhiệt điện than của toàn thế giới đạt cực đại vào năm 2013 là 41,3%, đã bẻ ngoặt hạ xuống 40,8% vào năm 2014, và theo thỏa thuận Paris (COP 20) tỷ trọng này sẽ giảm xuống 24,4% vào năm 2030 [5].   Chúng tôi cho rằng Việt Nam chúng ta không thể một mình đi ngược lại su hướng của Thế giới là giảm dần nhiệt điện than và tăng dần phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, bởi vì nếu chúng ta cứ đi ngược với su hướng thế giới thì sẽ không được thế giới ủng hộ và bị cô lập. Mặt khác, ta cũng phải tính toán đến lâu dài là nước ta nhất định sẽ phát triển năng lượng tái tạo, giả dụ như sau năm 2030 tỷ trọng năng lượng tái tạo của nước ta tăng lên trên 50% thì lúc đó rất nhiều nhà máy nhiệt điện than không có lý do tồn tại nữa, cần phải đóng cửa hoạt động và bị phá đi thì việc đầu tư hàng chục tỷ USD cho các nhà máy nhiệt điện than theo Quy hoạch Điện VII sẽ gây ra lãng phí vô cùng lớn. Mặt khác, theo tính toán của Viện Năng lượng VN thì Quy hoạch Điện VII còn gây ra thiệt hại rất lớn về kinh tế do chất thải ô nhiễm môi trường của nhiệt điện than gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, cụ thể là phát thải SO2 năm 2014 gây ra thiệt hại 94 triệu USD, năm 2030 tăng lên 623,3 triệu USD, tương ứng đối với phát thải NOx là 264,3 và 1760,5 triệu USD, đối với phát thải bụi PM2.5 là 94 và 623,3 triệu USD [6].
  • Quy hoạch Điện VII chưa tính đến đẩy mạnh biện pháp tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như là Luật số 50/2010/QH12 đã quy định.
Theo thống kê cường độ tiêu thụ năng lượng (CĐTTNL) của nước ta rất lớn so với các nước trên thế giới, có nghĩa là nước ta sử dụng năng lượng chưa tiết kiệm và rất thiếu hiệu quả, như thể hiện ở bảng 3.  Từ số liệu ở bảng 3 ta thấy CĐTTNL của nước ta là lớn nhất, cao gấp 2,9 lần so với Nhật Bản, 2,7 lần so với Cộng hòa Liên Bang Đức, 2,6 lần so với Hàn Quốc, 2,24 lần so với Thái Lan và 2 lần so với Philippines.  HHay nói cách khác là tiềm năng sử dụng tiết kiệm năng lượng ở nước ta rất lớn.   Tuy rằng Luật số 50/2010/QH12 “Sử dụng năng lượng và hiệu quả” của nước ta đã được ban hành từ năm 2010, nhưng cho đến nay việc thực thi Luật này còn thiếu nghiêm túc, và trong Quy hoạch Điện VII chưa đề ra chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng cụ thể và tương xứng đối với mỗi ngành kinh tế. Thí dụ như đối với ngành xây dựng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chủ yếu là bằng cách phát triển công trình xanh (CTX), đô thị xanh, thế nhưng trong hơn 10 năm qua (từ 2005 đến nay) ở cả nước ta chỉ có hơn 50 công trình xây dựng được công nhận là CTX. Trong khi đó, cũng từ năm 2005 Singapore ban hành bộ tiêu chí đánh giá CTX (Green Mark), năm 2006 họ đã xây dựng xong Kế hoạch Quốc gia về phát triển CTX đến năm 2030. Thực hiện kế hoạch này, từ năm 2008 tất cả các công trình xây dựng mới hay cải tạo nâng cấp có diện tích sàn từ 2000 m2 trở lên ở Singapore đều được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí CTX Green Mark.  Theo Kế hoạch phát triển CTX trên thì đến năm 2030 tối thiểu 80% các công trình xây dựng phải đạt tiêu chí CTX, tiết kiệm khoảng 35% năng lượng tiêu thụ so với năm 2005 [4]. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tổng tiêu thụ năng lượng của các tòa nhà dân dụng của nước ta năm 2003 mới chỉ chiếm 22,4%, thế mà năm 2014 đã chiếm tới 37-38% tổng lượng tiêu thụ năng lượng của quốc gia và dự báo đến năm 2030 tổng tiêu thụ năng lượng của ngành xây dựng sẽ đạt xấp xỉ 50%.  Giả dụ như đến năm 2030 ở nước ta đạt tỷ lệ 40% công trình xây dựng đạt tiêu chí CTX (bằng ½ tỷ lệ của Singapore) và tỷ lệ tiết kiệm năng lượng của các CTX trung bình là khoảng 20% thì ngành xây dựng sẽ đóng góp tiết kiệm tổng năng lượng tiêu thụ của quốc gia là 50% x 40% x 20% = 4%. Với 4% tiết kiệm tổng lượng năng lượng tiêu thụ này thì có thể giảm được đầu tư xây dựng 1 dự án nhiệt điện than với công suất 600MW.
Vì vậy trong Quy hoạch phát triển Điện lực ở nước ta không thế thiếu đặt ra chi tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
   Bảng 3. Cường độ tiêu thụ năng lượng của Việt Nam và một số nước trên thế giới năm 2010
(Đơn vị: Tiêu thụ 1 kg dầu tương đương (kgOE) tính trên GDP là 1000 USD, kgOE/1000 USD)
Các nước Việt Nam Nhật bản Hàn quốc Thái lan CHLB Đức Philippines
CĐTTNL 446 154 171 199 164 223
  • Quy hoạch Điện VII đề ra tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo quá nhỏ bé trong khi tiềm năng điện gió và điện mặt trời của nước ta là rất lớn
Về năng lượng mặt trời: với vị trí địa lý của Việt Nam nằm trong giới hạn giữa xích đạo và chí tuyến Bắc, thuộc vùng nội chí tuyến có ánh nắng mặt trời chiếu xuống quanh năm, nhất là khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Với tổng số giờ nắng trong năm dao động trong khoảng 1.400-3.000 giờ, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2/ngày, tăng dần từ Bắc vào Nam, với kết quả này có thể đánh giá Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Tuy nhiên hiện nay việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng này còn hạn chế, nhất là sử dụng cho phát điện,… một trong những nguyên nhân cơ bản là giá sử dụng nguồn năng lượng này so với nguồn năng lượng nhiệt điện than là kém cạnh tranh trên thị trường, mặt khác cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời còn hạn chế.
 Năng lượng gió, với đặc điểm nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa, lại có bờ biển dài trên 3.000 km, lãnh hải lớn hơn 3 lần so với lục địa, theo khảo sát, nước ta có tiềm năng rất lớn về năng lượng gió. Hiện nay chưa có số liệu chính xác đánh giá tiềm năng năng lượng gió chính xác. Tuy vậy, các nghiên cứu đánh giá sơ bộ đã đưa ra con số tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam dao động trong khoảng 1.785MW-8.700MW. Theo dự báo của WB tiềm năng năng lượng gió của nước ta đạt khoảng trên 100.000 MW. Nước ta đã bắt đầu triển khai một số dự án khai thác nguồn năng lượng này ở Cà Mau, Ninh Thuận và một số huyện đảo không thể đưa điện lưới từ đất liền ra. Thực tế khai thác nguồn năng lượng gió cho thấy giá thành điện của nguồn năng lượng này khó cạnh tranh trên thị trường so với các nguồn năng lượng khác như thủy điện và nhiệt điện than nếu không có trợ giá của Nhà nước.
Năng lượng sinh khối, nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa Đông Nam Á so với nhiều quốc gia khác, sinh khối của Việt Nam tăng trưởng nhanh, chính vì vậy chúng ta có một nền nông nghiệp đa dạng và phát triển… nguồn phế thải từ sản phẩm nông nghiệp là rất lớn, đây là tiềm năng để chúng ta sử dụng nguồn năng lượng này. Mặt khác năng lượng sinh khối còn được sử dụng từ các phế thải của chăn nuôi, rác thải hữu cơ đô thị và các chất thải hữu cơ khác. Theo đánh giá của các nghiên cứu gần đây tính toán tiềm năng và khả năng khai thác năng lượng sinh khối chất thải rắn cho năng lượng và phát điện của Việt Nam có thể đạt mức sản lượng điện 2.000MW. Thực tế khai thác nguồn năng lượng này ở Việt Nam đã và đang phát triển, tuy nhiên mới ở quy mô nhỏ, trong tương lai đây cũng là nguồn năng lượng lớn và có nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam.
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV đã đặt ra “Mục tiêu 7.2. Đến năm 2030 tăng đáng kể tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Quốc gia, cụ thể là đạt 31% vào năm 2020 và đạt 32,3% vào năm 2030” [2]. Thế nhưng trong Quy hoạch Điện VII chỉ đề ra tỷ trọng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối) năm 2020 là 0,8 + 0,5 + 1 = 2,3%, năm 2030 là 2,1 + 3,3 + 2,1 = 7,5%. Nếu cộng thêm năng lượng thủy điện thì tỷ trọng tổng năng tái tạo năm 2030 cũng chỉ là 12,4 +7,5 = 19,9%, chỉ bằng già nửa trị số Mục tiêu 7.2 ở trên đặt ra. Thực chất, muốn phát triển năng lượng gió, năng lượng bức xạ mặt trời ở nước ta thì thời gian ban đầu cần phải có chính sách ưu đãi, trợ giá như các nước trên thế giới. Hiện nay theo Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg, ngày 29/6/2011, giá điện gió của nước ta là 7,3 US cent/kWh, trong khi đó giá mua điện gió ở Philippines là từ 12 đến 20 US cent/kWh, của Thailand và Indonesia là 18 US cent/kWh [5].  Đồng thời cần phải tính giá nhiệt điện than đúng theo cơ chế thị trường, giá thành sản xuất nhiệt điện than cần phải cộng thêm tiền khấu trừ đền bù thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện than gây ra đối với sức khỏe con người và làm suy thoái các hệ sinh thái dưới nước và trên cạn.
  • Kết luận
Từ các phân tích, đánh giá các bất cập của Quy hoạch Điện VII nêu trên so với Định hướng PTBV, Chiến lược Tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH, thấy rằng nước ta cần phải tiến hành ngay việc nghiên cứu xây dựng Quy hoạch Phát triển Điện lực VIII để thay thế cho Quy hoạch Điện VII.  Quy hoạch Phát triển Điện lực VIII từ nay đến năm 2030 và có tầm nhìn đến năm 2050 cần phải đáp ứng các yêu cầu sửa đổi như sau:
  • Đẩy mạnh thực thi các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để giảm dần cường độ tiêu thụ năng lượng của nước ta sao cho tiệm cận với mức CĐTTNL trung bình của các nước trong khu vực, nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ năng lượng quá lớn như hiện nay;
  • Định giá đúng giá thành nhiệt điện than theo cơ chế thị trường có xét đến đền bù thiệt hại sức khỏe và các hệ sinh thái do ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện than gây ra.  Đồng thời thực hiện các chính sách ưu tiên, ưu đãi phù hợp đối với các dự án đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là đối với điện gió và điện bức xạ mặt trời;
  • Thực hiện đúng định hướng nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Trung Ương số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013, về Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý TNTN và BVMT là: “Thúc đẩy phát triển sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống”. Trong Quy hoạch phát triển điện lực VIII không nhập khẩu than để sản xuất điện, phấn đấu đến năm 2050 nguồn năng lượng của nước ta chủ yếu là nguồn năng lượng tái tạo, giảm thiểu tối đa các nguồn ô nhiễm môi trường do sản xuất nhiệt điện than gây ra, BVMT, ứng phó với BĐKH, bảo đảm PTBV.    
 Tài liệu tham khảo
  1. Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25-9-2012, của Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh.
  2. Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10-5-2017, về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV.
  3. Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18-3-2016, của Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030
  4. Phạm Ngọc Đăng, Nguyễn Việt Anh, Phạm Thị Hải Hà, Nguyễn Văn Muôn. Các giải pháp thiết kế công trình xanh ở Việt Nam. Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội – 2014.
  5. Nguyễn Đức Thắng. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch Điện lực VII) là quy hoạch hủy diệt sức khỏe và môi trường sinh thái, đổi lấy kinh tế không hiệu quả. Thư gửi Thủ Tướng Chính Phủ và các Bộ có liên quan, ngày 14-4-2018.
  6. Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID). Khuyến nghị Chính sách Việt Nam sẵn sàng cho bước ngoặt chuyển sang năng lượng sạch vào năm 2020. Hà Nội, tháng 3/2018.
 

GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng

Video clip


Hội môi trường xây dựng việt nam

Thư viện ảnh


Đơn vị thành viên

Quảng cáo