Tin tức
Chủ Nhật, 17/4/2016
Bàn về Phát triển đô thị bền vững môi trường, đô thị xanh ở các hải đảo Việt Nam
DISCUSSION ON URBAN SUSTAINBILITY DEVELOPMENT,
GREEN ISLANDS IN VIETNAM
 
Tóm tắt     
Sau khi nêu lên đặc điểm xây dựng-kiến trúc của thời đại là phát triển tất yếu công trình xanh, đô thị xanh, đô thị bền vững môi trường ở hơn 100 nước trên thế giới, tác giả giới thiệu về Hiệp định Môi trường Đô thị của Liên Hợp Quốc-2005 đã được hơn 100 nước và tổ chức quốc tế đồng thuận trong ngày lễ kỷ niệm ngày Môi trường Thế giới tại thành phố San Francisco (Hoa Kỳ) năm 2005. Hiệp định này đề ra hệ thống tiêu chí của đô thị bền vững môi trường, đô thị xanh, bao gồm 7 lĩnh vực và mỗi lĩnh vực bao gồm 3 hoạt động, tổng cộng là 21 tiêu chí đô thị xanh. Bảy lĩnh vực được lựa chọn là: (1) Sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm; (2) Giảm thiểu chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường; (3) Quy hoạch đô thị thân thiện môi trường, phát triển công trình xanh và xóa bỏ các khu nhà ổ chuột; (4) Bảo tồn thiên nhiên và phát triển vườn hoa, cây xanh đô thị; (5) Phát triển giao thông bền vững môi trường; (6) Giảm sử dụng hóa chất độc hại, an toàn thực phẩm và môi trường không khí trong sạch; (7) Cấp nước sạch đầy đủ và hiệu quả, bảo tồn nguồn nước và giảm thiểu nước thải.

    Bài báo đã phân tích các thuận lợi và các trở ngại trong phát triển các đô thị theo các tiêu chí đô thị xanh, đô thị bền vững môi trường ở các hải đảo của nước ta. Đã phân tích các đặc thù của quy hoạch phát triển các đô thị du lịch Côn Đảo và đảo Phú Quốc và đã đề xuất các giải pháp thiết kế quy hoạch cụ thể đối với đô thị Côn Đảo và đô thị đảo Phú Quốc để đảm bảo 2 đô thị này đáp ứng được các tiêu chí của đô thị xanh, đô thị bền vững môi trường.
Từ khoá: phát triển đô thị bền vững, thành phố xanh, hải đảo
 
Abstract
After presenting today's engineering – architecture which is basically developed with green – works, green cities and urban sustainable environment in above 100 countries, the author introduced about United Nations Convention On Urban Environmental (2005), which is accepted by more than 100 countries and international organization on The World Environment Day at San Francisco (United States Of America - 2005). This agreement presented the criterion system of urban environmental sustainability, green cities, including 7 fields, each field includes 3 activites, therefore there are 21 criteria in total. The chosen fields are: (1) Efficiency in using and saving energy; (2) Reduction in hazardous solid waste; (3) Urban planning environmentally and friendly, development of green – works and slum removal; (4) Preservation of nature and garden development; (5) development of environmentally-sustainable transportation; (6) Reduction in using intoxicated chemist, food safety and air cleaner; (7) Efficiency and sufficient in water supply, preserving water resources and minimization of wastewater.

This article analyzes pros and cons in green urban and environmental sustainability urban development in islands in our country. It presented the paricularity of urban planning development in Con Dao – Phu Quoc Islands. It recommended design sollutions in planning specialize in 2 cities: Con Dao and Phu Quoc, and met the requirement of green cities and environmentally-sustainable urban.
Keyword: Urban sustainable development, green cities, islands
 
I. PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG MÔI TRƯỜNG, ĐÔ THỊ XANH LÀ XU HƯỚNG TẤT YẾU HIỆN NAY TRÊN THẾ GIỚI
        Kinh nghiệm phát triển xây dựng xanh ở Mỹ (Green Building Basics www.calrecycle.ca.gov/greenbuilding/basics.htm) cho thấy phát triển xây dựng xanh đã mang lại nhiều lợi ích to lớn về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH):

- Sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, có thể giảm tiêu thụ năng lượng điện tới 40%;
- Sử dụng hợp lý nguồn nước và giảm tiêu thụ nước từ 15-30%;
- Phát triển sử dụng vật liệu tái chế, tái sinh, tiết kiệm tài nguyên vật liệu;
- Giảm thiểu chất thải, giảm thiểu phát thải “khí nhà kính” khoảng 30%;
- Về vốn đầu tư có thể đắt hơn xây dựng thông thường nhưng được bù đắp lại bằng chi phí thấp trong giai đoạn vận hành, do đó tổng chi phí vẫn thấp hơn.
- Điều kiện chất lượng môi trường được cải thiện;
 - Điều kiện sống của con người tốt hơn.

         Ở nhiều nước trên thế giới đã xây dựng thành công các đô thị xanh, như là: Curitiba (Brazil), các đô thị Astin, Chicago, Fort Collins, Alexandria, Virginia và Portland (Hoa Kỳ), Calgary (Canada), Thiên Tân Trung Quốc-Singapore và  Đông Tân-Chông Minh (Trung Quốc), Singapore (Singapore), Yokohama (Nhật Bản), Stockholm và Malmol (Thụy Điển), Copenhagen (Đan Mạch), Freiburg (Đức), Linz (Áo), Brisbane (Úc), Auckland (Newzeland), v.v....

       Ở nước ta trong các năm gần đây đã có nhiều chủ đầu tư tự xưng và quảng cáo là đã đầu tư thiết kế và xây dựng các khu đô thị sinh thái, như là: khu đô thị Phúc Việt, Mê linh, Hà nội; khu đô thị Việt Hưng, Gia Lâm, Hà Nội; khu đô thị Quan Nam, Thủy Tú, Đà nẵng; khu đô thị Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam; khu đô thị Mỹ Phước 4, Bình Dương; khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP. Hồ Chí Minh; v.v…Thực chất chủ đầu tư các khu đô thị này đã chú ý bảo đảm các không gian xanh (vườn hoa, cây cảnh, mặt nước), đã tôn tạo cảnh quan thiên nhiên trong khu đô thị và tạo ra môi trường sống tốt hơn các khu đô thị khác. Nhưng đánh giá một cách chính xác thì các khu đô thị này chưa đáp ứng 100% tiêu chí đô thị xanh, nhất là tiêu chí sử dụng năng lượng hợp lý và tiết kiệm.  

         Ông Richard Register (chuyên gia quy hoạch đô thị nổi tiếng thế giới, người Mỹ) là người đầu tiên đã đưa ra khái niệm “Đô thị sinh thái, đô thị bền vững môi trường”  trong cuốn sách  của mình (Ecocity Berkeley, North Atlantic Books, 1987 Building Cities for a healthy future) như sau: “Đô thị sinh thái hay đô thị  bền vững môi trường là một đô thị được thiết kế với việc xem xét tác động môi trường ở vị trí hàng đầu, không những chú ý đến sự ổn định cuộc sống của dân cư, giảm thiểu đầu vào của đô thị, như là nhu cầu đối với nguồn nước, năng lượng và thực phẩm, mà đô thị còn phải sản sinh ra chất thải, nhiệt thải, ô nhiễm không khí CO2, CH4 và ô nhiễm nước ít nhất”.

         Hiện nay trên thế giới đã có trên 100 nước thành lập Hội đồng Xây dựng Xanh (Green Building Council) của nước mình và bằng mọi biện pháp đẩy mạnh phát triển công trình xanh, đô thị xanh.

II. CÁC TIÊU CHÍ ĐÔ THỊ XANH, ĐÔ THỊ BỀN VỮNG MÔI TRƯỜNG
          Xây dựng đô thị bền vững môi trường hay đô thị xanh có giá trị và ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời lại thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi vì: (i) Quá trình đô thị hóa, với nét đặc trưng là sự tập trung dân cư sản xuất phi nông nghiệp trong một không gian chật hẹp ngày càng lớn, khai thác và sử dụng triệt để tài nguyên thiên nhiên, năng lượng (ước lượng hiện nay các đô thị tiêu thụ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên tối thiểu là khoảng 70% tổng năng lượng tiêu thụ, khoảng 60% tổng tiêu thụ nguồn nước và phát thải khoảng 80% tổng các khí nhà kính phát sinh của thế giới), hình thành môi trường sống nhân tạo và thải ra quá nhiều loại chất thải, làm cho môi trường ở đô thị ngày càng bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị suy thoái, làm mất cân bằng nhiều hệ thống sinh thái thiên nhiên, sức khỏe người dân đô thị ngày càng bị ảnh hưởng mạnh hơn và hậu quả cuối cùng là đô thị phát triển thiếu bền vững; (ii) Dân số đô thị chiếm tỷ lệ ngày càng lớn. Theo số liệu của Văn phòng dân số thế giới (PRB) của Liên Hiệp Quốc công bố năm 2004: tổng dân số thế giới là 6.396 triệu người, trong đó tỷ lệ dân đô thị trung bình của các nước phát triển là 76%, trung bình của các nước còn lại là 41%. Theo số liệu của ADB năm 2007, tỷ lệ dân số đô thị trung bình của các nước châu Á đã chiếm 50%, tỷ lệ dân số đô thị của Malaysia: 69,3%, của Indonesia: 50,4%, của Trung Quốc: 44%, của Thailand: 32,9%, của Việt Nam 27,7%; (iii)  Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia ngày càng tập trung tại các đô thị. Ở các nước ASEAN gần 3/4 GDP và khoảng 2/3 tổng sản lượng xuất khẩu quốc gia đều xuất phát từ các đô thị. Thí dụ, riêng Metro Bangkok (2005) đóng góp 44% GDP của Thái Lan, Metro Manila (2006) đóng góp 37% cho GDP của Philippine, TP. Hồ Chí Minh (2006) đóng góp 23,5% cho GDP Việt Nam.

       Ở nước ta, từ khi “Đổi mới” (1986) đã mở ra một thời kỳ phát triển đô thị hóa nhanh, vào năm 1990 nước ta mới có 500 đô thị lớn nhỏ, đến năm 2000 đã là 649, đến năm 2010 tổng số đô thị ở nước ta đã đạt tới 766 đô thị . Theo Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 7/4/2009, của Thủ Tướng Chính Phủ về việc Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến năm 2025 khoảng 50% dân số nước ta sẽ sống ở các đô thị.

       Phần lớn các đô thị ở nước ta đều được quy hoạch xây dựng, cải tạo và phát triển theo phương pháp truyền thống. Vì vậy cho đến nay chưa có đô thị nào đạt các tiêu chí đô thị xanh, đô thị bền vững môi trường.  

        Do có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn của sự phát triển đô thị xanh, đô thị bền vững môi trường, nên vào ngày 5 tháng 6 năm 2005, nhân dịp kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới tại thành phố San Francisco  (Hoa Kỳ), UNDP và UNEP đã tổ chức Hội nghị quốc tế về phát triển thành phố bền vững môi trường, có hơn 100 nước và rất nhiều tổ chức quốc tế tham dự. Trong Hội nghị này “Hiệp định Môi trường Đô thị của Liên Hợp Quốc – 2005” (2005, The United Nations Urban Environmental Accords www.sustainablepg.org/accords/accords.php) đã được thông qua.

        Hiệp định Môi trường Đô thị của Liên hợp Quốc - 2005  là "Một tập hợp các hướng dẫn để xây dựng một tương lai bền vững sinh thái và kinh tế năng động cho nhân dân đô thị". Các thành phố tham gia ký kết Hiệp định là biểu thị sự cam kết thực hiện hiệp định, khi họ phát triển các chính sách và tạo ra các chương trình để giải quyết các vấn đề môi trường đô thị của họ, thời hạn ký kết đầu tiên là 7 năm , tức là từ năm 2005 đến năm 2012.

       Hiệp định Môi trường Đô thị của Liên Hợp Quốc-2005 đề ra hệ thống tiêu chí của đô thị bền vững môi trường, đô thị xanh, bao gồm 7 lĩnh vực và mỗi lĩnh vực bao gồm 3 hoạt động, cụ thể như sau:

1.  Năng lượng: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, có hiệu quả, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và giảm thiểu phát thải “khí nhà kính”

- Hoạt động 1: Thực hiện các chính sách tăng cường việc sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng 10% phụ tải điện lúc cao điểm của đô thị trong thời hạn bảy năm.

- Hoạt động 2: Thực hiện chính sách giảm phụ tải điện lúc cao điểm của đô  thị 10% trong thời hạn bảy năm thông qua việc nâng cao hiệu suất năng lượng, thay đổi thời gian nhu cầu năng lượng, và các biện pháp bảo hành.

- Hoạt động 3: Thông qua việc phát triển xây dựng các ngôi nhà xanh (Green Building), toàn đô thị có kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính, khoảng 25% vào năm 2030, và trong đó bao gồm hình thành một hệ thống kiểm toán phát thải khí nhà kính.

      2) Giảm chất thải: Đô thị phát sinh ít hoặc không chất thải:

- Hoạt động 4: Thiết lập chính sách để đạt được đô thị không có chất thải phải chôn ở bãi rác, hay đốt ở lò đốt rác vào năm 2040.

- Hoạt động 5: Thông qua đạo luật để toàn đô thị giảm việc sử dụng loại sản phẩm độc hại hoặc sản phẩm không thể tái tạo hay dùng một lần, đến mức % ít nhất sau bảy năm.

- Hoạt động 6: Thực hiện chính sách "Người tiêu dùng thân thiện với  môi trường”, chương trình tái chế và ủ phân compost, với mục tiêu giảm 20% lượng chất thải rắn bình quân đầu người phải đưa đến chôn ở bãi rác, hay đốt rác trong vòng bảy năm.

        3) Thiết kế đô thị: Phát triển công trình xanh;  Quy hoạch đô thị thân thiện môi trường và xóa bỏ các khu nhà ổ chuột:

- Hoạt động 7: Áp dụng chính sách có trách nhiệm xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh cho tất cả các tòa nhà được xây dựng trong đô thị.

- Hoạt động 8: Áp dụng các nguyên tắc quy hoạch đô thị với mật độ cao hơn, phát triển đi bộ, đi xe đạp đến các khu vực lân cận, phối hợp sử dụng đất và giao thông vận tải với các hệ thống không gian mở phục vụ cho giải trí và phục hồi sinh thái.

- Hoạt động 9: Thông chính sách hoặc thực hiện chương trình tạo công ăn việc làm mang lại lợi ích môi trường trong các khu nhà ổ chuột và/hoặc các khu dân cư lân cận có thu nhập thấp.

       4) Bảo đảm môi trường thiên nhiên của đô thị: quy hoạch xây dựng các công viên, vườn hoa, phục hồi nơi sinh cư của các loài, đặc biệt là động vật hoang dã:

- Hoạt động 10:  Đảm bảo rằng có các công viên giải trí hoặc không gian mở có khoảng cách trong vòng 0,5 km tính từ nhà ở của mỗi cư dân trong đô thị vào năm 2015.

- Hoạt động 11: Thực hiện kiểm kê bảo toàn các tán cây của thành phố hiện có và sau đó thiết lập một mục tiêu dựa trên các đặc điểm sinh thái và cộng đồng để  trồng và duy trì bảo toàn tổng diện tích các tán cây không ít hơn 50% tổng diện tích vỉa hè đường phố trong đô thị.

- Hoạt động 12: Bằng việc thực hiện pháp luật để bảo vệ hành lang cư trú đi lại quan trọng của các loài và môi trường sống đặc thù quan trọng khác (ví dụ như vùng nước đặc trưng, hệ thực vật là thức ăn của các loài, nơi trú ẩn cho động vật hoang dã, sử dụng các loài bản địa, v.v…), giảm ảnh hưởng xuất phát từ phát triển không bền vững.

      5) Giao thông vận tải: Phát triển giao thông công cộng, phương tiện giao thông sạch,  giảm thiểu tắc nghẽn giao thông:

- Hoạt động 13: Xây dựng và thực hiện chính sách mở rộng hệ thống giao thông công cộng, bảo đảm khoảng cách từ nơi ở của tất cả các cư dân trong đô thị đến các bến đỗ xe công cộng trong vòng 0,5 km trong thời gian mười năm tới.

- Hoạt động 14: Thông qua đạo luật hoặc thực hiện chương trình để loại bỏ sử dụng xăng pha chì, giảm hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu diesel và xăng dầu, đồng thời với việc sử dụng kiểm soát khí thải tiên tiến đối với tất cả các loại xe ôtô, xe máy, xe buýt, taxi, và các phương tiện giao thông công cộng để giảm bụi lơ lửng và sự hình thành khói mù, bảo đảm giảm khí thải giao thông khoảng 50% trong bảy năm tới.

- Hoạt động 15: Thực hiện chính sách để giảm tỷ lệ các chuyến xe chuyên chở 1 chiều của các phương tiện giao thông khoảng 10% trong bảy năm tới.

6)    Sức khỏe môi trường: Giảm sử dụng chất độc hại, có hệ thống quản lý thực phẩm an toàn và môi trường không khí trong sạch:

- Hoạt động 16: Chính quyền địa phương hàng năm xác định các sản phẩm  hóa chất, hoặc hợp chất được sử dụng trong đô thị có nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe con người và thông qua đạo luật để khuyến khích giảm thiểu hoặc loại bỏ việc sử dụng các loại sản phẩm này.

- Hoạt động 17: Tăng cường sức khỏe và lợi ích môi trường của cộng đồng bằng sự hỗ trợ của các loại thực phẩm tươi sống. Đảm bảo rằng 20% đất đai có thể trồng cây của tất cả các tổ chức cơ sở của đô thị (bao gồm cả trường học) phục vụ trồng rau quả tại chỗ và cung cấp rau quả tươi sống cho đô thị trong thời hạn bảy năm tới.

- Hoạt động 18: Thiết lập chỉ số chất lượng không khí (AQI) để đo lường mức độ ô nhiễm không khí và thiết lập mục tiêu giảm 10% số ngày được phân loại AQI nằm trong phạm vi là "không lành mạnh" đến "nguy hiểm" trong vòng bảy năm tới.

7)    Môi trường nước: Cấp nước đầy đủ & hiệu quả, bảo tồn nguồn nước và giảm thiểu nước thải:

- Hoạt động 19: Xây dựng các chính sách để tăng cường khả năng tiếp cận  với nước uống an toàn, nhằm mục đích bảo đảm cấp nước sạch đầy đủ cho tất cả mọi người vào năm 2015. Đối với các đô thị có mức tiêu thụ nước sạch bình quân đầu người  lớn hơn 100 lít/ngày thì thông qua và thực hiện các chính sách để giảm tiêu thụ nước khoảng 10% vào năm 2015.

- Hoạt động 20: Bảo vệ sự toàn vẹn sinh thái của các nguồn nước uống chính của đô thị  (tức là bảo vệ tầng nước ngầm, sông, hồ, đất ngập nước và hệ sinh thái gắn với nước).

-  Hoạt động 21: Thông qua hướng dẫn quản lý nước thải đô thị, và giảm khối lượng xả nước thải chưa được xử lý khoảng 10% trong vòng bảy năm tới bằng cách mở rộng việc sử dụng nước tái chế và bằng việc thực hiện quy hoạch lưu vực sông bền vững, bao gồm có sự tham gia của cộng đồng bị ảnh hưởng và dựa trên nguyên tắc bền vững kinh tế, xã hội và môi trường.

III. THUẬN LỢI VÀ TRỞ NGẠI CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐÔ THỊ BỀN VỮNG MÔI TRƯỜNG, ĐÔ THỊ XANH Ở CÁC HẢI ĐẢO CỦA NƯỚC TA

         Trong  Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 đã đề ra “ (i) Đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển , làm giầu từ biển và (ii) Phát triển kinh tế biển, đảo để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định nhưng phải gắn với phát triển bền vững của quốc gia và góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và tạo việc làm”.  

        Định hướng phát triển đô thị xanh, đô thị bền vững môi trường ở các hải đảo nước ta là phù hợp với định hướng của Chiến lược Biển Việt Nam đã nêu ra ở trên. Tuy vậy, Chiến lược phát triển đô thị Việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 hầu như chưa đề cập đến định hướng phát triển đô thị xanh, đô thị bền vững môi trường ở nước ta. Cho đến nay Thủ Tướng Chính Phủ đã phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị của phần lớn các huyện đảo của nước ta, như là huyện đảo Phú Quốc, huyện đảo Côn Đảo, huyện đảo Cát Bà. Trong các Quyết định phê duyệt này đều chưa có định hướng phát triển đô thị xanh, đô thị bền vững môi trường. Tuy vậy, cần nhấn mạnh rằng trong tương lai gần ở nước ta sẽ phát triển mạnh mẽ các đô thị

        Vì vậy chúng tôi đề nghị ngay từ bây giờ cần phải đặt ra nhiệm vụ phát triển các đô thị tại các hải đảo nước ta trở  thành các đô thị xanh, đô thị bền vững môi trường, đô thị thích ứng với BĐKH dựa theo hệ thống các tiêu chí mà Hiệp định Môi trường Đô thị của Liên Hợp Quốc-2005 nêu ra ở trên. 

       Phát triển đô thị bền vững môi trường, đô thị xanh, thích ứng vứi BĐKH ở các hải đảo của nước ta sẽ có một số điều kiện thuận lợi và các trở ngại như sau:

3.1. Các thuận lợi

-         Đô thị hóa ở nước ta chậm hơn đô thị hóa trung bình của các nước Châu Á khoảng 15-20 năm, đi sau các nước phát triển 50-100 năm, do đó có thuận lợi là có thể học tập, rút kinh nghiệm phát triển đô thị xanh, đô thị bền vững môi trường của các nước áp dụng vào nước ta;

-         Cải tạo các đô thị hiện có thành các đô thị xanh, đô thị bền vững môi trường là việc khó hơn rất nhiều lần so với việc quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới là các đô thị xanh.  Cho đến nay, ở hầu hết các hải đảo của nước ta chưa đô thị hóa, đều là quy hoạch đô thị mới, do đó đây là một thị trường rộng lớn dễ dàng phát triển đô thị xanh.

-         Trong các Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển các hải đảo của Thủ Tướng Chính Phủ đều đã xác định xây dựng các đô thị hải đảo thành các đô thị du lịch trọng điểm có chất lượng cao, có tầm cỡ quốc gia và quốc tế, không phát triển công nghiệp và các ngành gây ô nhiễm môi trường lớn ở các hải đảo. Đây là tiền đề rất thuận lợi để xây dựng các đô thị ở các hải đảo thành các đô thị xanh, bền vững môi trường.

-         Các hải đảo của nước ta đều có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có rừng, vườn quốc gia, có tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học phong phú, có điều kiện để phát triển thành đô thị xanh đặc sắc, có sức mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

-         Nước ta có điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, là môi trường thuận lợi để phát triển không gian xanh đô thị và phát triển công trình kiến trúc xanh; có nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phong phú (năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều …), có điều kiện môi trường không khí, môi trường nước biển khoáng đãng, trong sạch đạt yêu cầu về chất lượng môi trường của một đô thị xanh.

3.2. Các trở ngại

- Trở ngại lớn nhất trong việc phát triển đô thị xanh ở các hải đảo của nước ta hiện nay là tài nguyên đất (đất xây dựng, đất vui chơi, giải trí, du lịch …), tài nguyên nước ngọt (phục vụ nhu cầu sinh hoạt của dân cư, khách du lịch và dịch vụ) và sản phẩm nông nghiệp (thực phẩm, rau quả tươi sống) của các hải đảo rất hạn hẹp so với nhu cầu.

- Rất thiếu vốn đầu tư cho phát triển các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị ở hải đảo (giá thành cao), thiếu vốn đầu tư cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo (tự túc nguồn điện), đầu tư cho dự trữ nước ngọt … ở các đô thị ở ngoài hải đảo.

- Nước ta là một trong 10 nước trên thế giới bị tác động lớn nhất của BĐKH. Các hải đảo là nơi chịu tác động của BĐKH và thiên tai mạnh nhất, vậy cần phải làm gì để phát triển các đô thị ở hải đảo nước ta thích ứng với BĐKH.

- Đội ngũ chuyên gia quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị xanh, đô thị bền vững môi trường của nước ta còn ít về số lượng, còn yếu kém về trình độ, kể cả lý thuyết và thực hành, tư duy và phương pháp quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặc thù của sự phát triển đô thị xanh, đô thị bền vững môi trường ở các hải đảo.

IV. MỘT SỐ Ý KIẾN ĐỐI VỚI QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ DU LỊCH CÔN ĐẢO VÀ PHÚ QUỐC

4.1. Đối với quy hoạch phát triển đô thị du lịch Côn Đảo
      Côn Đảo: 16 đảo lớn nhỏ. Tổng diện tích đất: 75,15 km2. Diện tích đảo Côn Sơn: 51,52 km2 , Vườn Quốc gia Côn Đảo: 14.000 ha mặt biển, 6.000 ha rừng, chiếm 83,7% đất tự nhiên. Tài nguyên nước ngọt: có trữ lượng khai thác khoảng 5.000m3/ngày đêm. Tài nguyên sinh vật: Dugong (bò biển), cỏ biển 600 ha, rạn san hô 1.000 ha, rùa biển, có 1 trong 2 bãi rùa đẻ của toàn quốc.

     Mục tiêu chiến lược phát triển của huyện đảo Côn Đảo là “Phát triển Côn Đảo trở thành đô thị du lịch - dịch vụ biển có chất lượng cao, đặc sắc, tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có kết cấu hạ tầng hiện đại, bảo vệ và phát huy giá trị của Vườn Quốc gia, các di tích lịch sử, văn hóa, đồng thời đảm nhận được vai trò đảm bảo an ninh quốc phòng ở vùng biển phía Đông Nam của Tổ quốc”.

       Trong Báo cáo ĐMC quy hoạch phát triển Côn Đảo đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thuộc Dự án Xây dựng Đề án BVMT Côn Đảo của Tổng Cục Môi trường, 2009, nhóm chuyên gia ĐMC chúng tôi đã đề xuất một số ý kiến sau đây về điều chỉnh quy hoạch Côn Đảo nhằm phát triển bền vững.

- Giảm chỉ tiêu quy hoạch dân số và khách du lịch của Côn Đảo sao cho phù hợp với khả năng sức chứa của tài nguyên và môi trường Côn Đảo. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 264/2005/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 10 năm 2005, phê duyệt Đề án phát triển KT-XH huyện Côn Đảo đến năm 2020 thì chỉ tiêu tổng dân số Côn Đảo đến 2020 là 50.000 dân, chỉ tiêu khách du lịch đến 2010 là 200 - 250 nghìn lượt người/năm, đến 2020 khoảng từ 500 - 700 nghìn lượt người/năm.
Hình 1 – Huyện Côn Đảo
 

      Chúng tôi cho rằng đây là chỉ tiêu rất cao, vượt quá khả năng chịu tải của tài nguyên và môi trường Côn Đảo. Trên cơ sở tiến hành tính toán khả năng diện tích đất xây dựng nhà cửa phục vụ du lịch, diện tích bãi tắm, số lượng các điểm tham quan khảo sát sinh thái và khả năng cung cấp nước ngọt của Côn Đảo, nhóm chuyên gia ĐMC đã kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch dân số Côn Đảo đến năm 2020 là 15.700 người, đến năm 2030 là 23.300 người; chỉ tiêu quy hoạch số lượng khách du lịch đến năm 2020 là 150.000 lượt khách du lịch và đến năm 2030 là 260.000 lượt khách du lịch.

- Không nên xây dựng hồ chứa nước Cửa Cạn nằm ở giữa rừng nguyên sinh (xâm chiếm 1200 ha rừng nguyên sinh). Nhóm chuyên gia đã nghiên cứu và đề ra phương án xây dựng các hồ khác ở ngoài rừng để thay thế, nhưng vẫn bảo đảm  tích chứa được lượng nước như có hồ Cửa Cạn đặt ở giữa rừng.

- Quy hoạch sử dụng đất hợp lý: Quỹ đất ở Côn Đảo là có hạn, nhưng nhu cầu đất cho phát triển thì rất lớn. Mặt khác, để phát triển Côn Đảo theo hướng kinh tế du lịch sinh thái thì quỹ đất cần phải ưu tiên dành cho các công trình phục vụ du lịch, bảo tồn cảnh quan (trong báo cáo ĐMC có đề xuất cụ thể về quy hoạch sử dụng đất của Đảo).

- Quy hoạch phát triển nông nghiệp: Trong canh tác nông nghiệp, bỏ hẳn việc trồng lúa vì trồng loại cây này vừa tốn đất, vừa phải dùng rất nhiều nước, nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Ưu tiên là trồng các loại rau xanh, rau xạch, cây ăn quả, trồng hoa, cây cảnh … để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Triệt để sử dụng phương pháp tưới cây nhỏ giọt, tiết kiệm nước, chống thất thoát do bốc hơi nước.

      - Loại bỏ dự án sân golf ở bất kỳ vị trí nào trên đảo, vì nó chiếm dụng nhiều diện tích đất, vừa tiêu tốn nhiều nước, đồng thời gây ô nhiễm môi trường nước.

     - Đẩy nhanh tiến độ thực thi Dự án đầu tư điện gió do Tập đoàn Aerogic plus đầu tư tại Mũi Con Chim. Trong tương lai có thể phát triển điện gió ở các hòn đảo lân cận, như là đảo Hòn Bà, đảo Hòn Bảy Cạnh, đảo Hòn Cau.  Nghiên cứu phương án xây dựng Trạm phát điện bằng thủy triều ở bờ biển  Đông Bắc của đảo Côn Sơn (vịnh Đầm Tre).  Tập trung tất cả các cơ sở sản xuất nước đá và chế biến hải sản, và các cơ sở công nghiệp khác vào cụm công nghiệp Bến Đầm.

      - Đề xuất không  xây dựng tuyến đường ô tô bao quanh Tây Bắc  đảo Côn Sơn: Làm đường ô tô ven biển Tây Bắc đảo là không có nhu cầu giao thông mà lại rất có hại đối với hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi có độ dốc lớn, rất khó phục hồi, mặt khác ven bờ biển phía Tây Bắc đảo Côn Sơn chính là nơi sinh dưỡng các loài cá, nếu phá hoại môi trường ven biển  này thì ngư trường của vùng biển Đông Nam Bộ sẽ bị giảm sút.

     -. Đề xuất các giải pháp đảm bảo nguồn nước ngọt cho Côn Đảo: Nâng cao bờ hoặc mở rộng dung tích các hồ chứa nước ngọt hiện có, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất để tăng diện tích đất xây thêm các ao, hồ chứa nước mới. Tận dụng các phương tiện lưu chứa nước mưa theo những quy mô khác nhau, phân tán ở tất cả những nơi, xây dựng các bể chứa nước ngầm hoặc bể nước trên mái để thu hứng và lưu trữ nước mưa. Tái sử dụng nước thải sau xử lý để phục vụ rửa đường, tưới cây cây hoa cảnh, v.v...

    -  Các biện pháp ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu ở Côn Đảo: Khi quy hoạch xây dựng các công trình kiên cố và cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở Côn Đảo cần xem xét cẩn thận để thích ứng với mực nước biển dâng cao, như là không nên xây dựng các công trình này ở rẻo đất thấp ven bờ biển của tất cả các đảo. Tính ra chỉ có khoảng 80 ha có thể bị ngập (vì độ dốc của bờ biển các đảo tương đối lớn), khi mực nước biển tăng cao thêm 50cm vào năm 2070-2080. Độ cao nền của các công trình xây dựng ở ven bờ biển phải được đảm bảo an toàn không bị phá hoại do sóng biển dâng cao khi có bão tố lớn (khuyến nghị cao hơn mực nước biển từ 4m trở lên). Cần có phương án tích trữ nước mưa thích ứng với điều kiện thay đổi thời tiết, mùa khô có thể kéo dài hơn, hạn hán có thể xảy ra khốc liệt hơn. Trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học: Cần xúc tiến nghiên cứu dự báo các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đa dạng sinh học của Côn Đảo và đề ra các biện pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là đối với hệ sinh thái biển, như là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rùa biển, bò biển…

Phòng chống thiên tai: Thiên tai có thể xảy ra lớn nhất đối với Côn Đảo là bão tố, vì vậy cần phải đẩy mạnh và tổ chức tốt các họat động phòng chống bão tố, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng các khu vực tránh bão an toàn cho các tàu thuyền bắt cá và GTVT, du lịch.

4.2. Đối với quy hoạch phát triển đô thị du lịch Phú Quốc

           Huyện đảo Phú Quốc gồm 40 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích là 589km2. Đảo chính rộng 567,88 km2 với tổng chiều dài bờ biển là khoảng 150 km, cách bờ biển Cămpuchia 4 km, cách Hà Tiên 46 km, cách Rạch Giá 115 km. Đảo Thổ Châu có diện tích 11 km2. Đảo Hòn Thơm có diện tích 5 km2. Các đảo còn lại đều là các đảo nhỏ bé.

Hình 2 – Huyện Phú Quốc

 
       Mục tiêu phát triển: Đến năm 2020 hoàn thành về cơ bản xây dựng đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch và du lịch sinh thái biển ở trình độ cao, tầm cỡ quốc gia và quốc tế, hàng năm thu hút khoảng 2-3 triệu lượt khách du lịch.

       Trong Báo cáo ĐMC đối với Quy hoạch phát triển Phú Quốc đến năm 2020, thuộc Dự án Xây dựng Đề án BVMT Phú Quốc của Tổng Cục Môi trường (2007) nhóm chuyên gia ĐMC chúng tôi đã đưa ra một số kiến nghị điều chỉnh quy hoạch  Phú Quốc nhằm bảo đảm sự PTBV đô thị Phú Quốc như sau:

 -  Không nên xây dựng tới 4 sân golf và không xây dựng trường đua ngựa ở đảo Phú Quốc. Sân Golf và trường đua ngựa không phù hợp với định hướng phát triển du lịch sinh thái của Phú Quốc, vì sân Golf chiếm diện tích lớn, kể cả diện tích rừng, nhu cầu sử dụng nước tưới sân cỏ cũng rất lớn, trong khi đó tài nguyên đất và nước của Phú Quốc rất hạn hẹp. Nếu cần thì chỉ nên xây dựng 1 sân Golf ở gần sân bay mới là đủ. Xây dựng sân đua chó Phú quốc thay cho trường đua ngựa;

- Điều chỉnh quy mô các tuyến đường trục của Đảo cho phù hợp với một thành phố du lịch ở hải đảo. Điều chỉnh 2 tuyến đường xuyên Đảo theo hướng Nam-Bắc và Đông-Tây từ 4 làn xe, rộng 47m xuống còn 2 làn xe, rộng 25m. Giảm quy mô đường GT.

    - Bảo đảm dải đất ven bờ biển xung quanh Đảo với chiều rộng khoảng 80-100m không bị ngăn chia trở thành sở hữu tư nhân, trong giải đất này không được xây dựng công trình, giữ nguyên điều kiện tự nhiên với cảnh quan bờ biển, mặt nước biển rất đẹp của Phú Quốc để dải đất này trở thành không gian công cộng phục vụ cho tất cả dân cư bản địa và khách du lịch trong và ngoài nước sử dụng. Đây cũng là  không gian dùng để ứng phó với thiên tai và BĐKH khi cần thiết;

     - Trong Báo cáo này các chúng tôi cũng đã đề xuất nhiều giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với các hệ sinh thái của Đảo, vừa  nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch sinh thái đặc sắc của Đảo, vừa bảo tồn rừng và ĐDSH của Đảo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.  Phạm Ngọc Đăng, Nguyễn Việt Anh, Phạm Hải Hà, Nguyễn Văn Muôn. Các giải pháp thiế kế công trình xanh ở Việt Nam. Nhà Xuất bản Xây dựng, Hà nội-2014
2.  Tổng cục Môi trường. Đề án BVMT đảo Phú Quốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hà nội – 2007
3.  Tổng cục Môi trường. Đề án BVMT đảo Côn Đảo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hà nội – 2009
GS.TSKH. Phạm Ngọc Đăng
Prof., Dr. Sc. Pham Ngoc Dang
 

Video clip


Hội môi trường xây dựng việt nam

Thư viện ảnh


Đơn vị thành viên

Quảng cáo