Hoạt Động Hội
Thứ Năm, 12/11/2015
Vai trò của chiến lược phát triển Công trình xanh đối với chiến lược phát triển xanh ở Việt Nam
VAI TRÒ CỦA CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH XANH ĐỐI VỚI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN XANH Ở VIỆT NAM                                                              

Role of Green Building Development Strategy for
Green Development Strategy in Vietnam
 
“Công trình xanh” (viết đầy đủ là “công trình xây dựng xanh”, tiếng Anh là Green Building). Công trình xanh là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời của nó, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công, vận hành sử dụng, cho đến giai đoạn sửa chữa, cải tạo nâng cấp, tái sử dụng, đều đạt được các tiêu chí: sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên năng lượng, nước, vật liệu, giảm thiểu đến mức nhỏ nhất các tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe con người, bảo tồn cảnh quan, sinh thái tự nhiên và di tích lịch sử, tạo ra điều kiện sống tốt nhất cho con người” [1]. 

Cuối thế kỷ 20, trong bối cảnh môi trường ngày càng bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị suy thoái, nguồn năng lượng truyền thống ngày càng bị cạn kiệt, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng hiện hữu, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về “Môi trường và Phát triển” tại Rio de Janeiro, Brazin, năm 1992, đã ra Tuyên ngôn về “Chương trình môi trường và phát triển của thiên niên kỷ 21”. Trong bối cảnh đó vào năm 1993 ở nước Mỹ một số chuyên gia xây dựng, kiến trúc và môi trường đã phối hợp cùng nhau thành lập “Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ” (US. Green Building Council – USGBC) và phát động phong trào phát triển công trình xanh (CTX) tại Mỹ.  USGBC đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chí CTX đầu tiên trên thế giới, được gọi là “Chỉ đạo thiết kế môi trường và năng lượng- Đánh giá công trình xanh” (The Leadership in Energy and Environmetal Design– Green Building Rating, viết tắt là LEED), mở đầu cho một trào lưu phát triển CTX (cũng có người gọi là cuộc “Cách mạng xây dựng xanh” (Green Building Revolution)) trên khắp thế giới. Hệ thống đánh giá CTX theo LEED, năm 2005, bao gồm 6 tiêu chí sau đây:

(1) Địa điểm công trình xây dựng bền vững, điểm đánh giá là 14;
(2) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, điểm đánh giá là 17;
(3) Sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, điểm đánh giá là 5;
(4) Sử dụng vật liệu tái tạo, tái chế và thân thiện môi trường, điểm đánh giá là 13;
(5) Chất lượng môi trường trong nhà tốt, điểm đánh giá là 15;
(6) Sáng tạo, tính mới trong thiết kế công trình, điểm đánh giá là 5.

Tổng cộng số điểm đánh giá CTX theo tiêu chí của LEED là 69 điểm. Các công trình xây dựng đạt 6 tiêu chí nêu trên được cấp chứng chỉ LEED theo 4 cấp: nếu tổng số điểm công trình đạt 26-32 điểm thì công trình đạt được cấp chứng chỉ LEED; nếu tổng số điểm công trình đạt 33-38 điểm thì công trình được cấp chứng chỉ LEED với mức Bạc; nếu tổng số điểm công trình đạt 39-51 điểm thì công trình được cấp chứng chỉ LEED với mức Vàng; nếu tổng số điểm công trình đạt 52-69 điểm thì công trình được cấp chứng chỉ LEED với mức Kim cương.

Trào lưu phát triển CTX được khởi đầu từ Mỹ và đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, cho đến nay đã có trên 100 nước đã thành lập Hội đồng Công trình Xanh, tham khảo hệ thống các tiêu chí CTX của các nước đi đầu để xây dựng hệ thống tiêu chí CTX của nước mình, thực hiện các chính sách, các biện pháp đẩy mạnh phát triển CTX và đã có hàng nghin công trình xây dựng được công nhận là CTX.

Sở dĩ trào lưu CTX được phát triển nhanh chóng và rộng rãi trên thế giới như vậy là vì CTX mang lại rất nhiều lợi ích to lớn và lâu dài về kinh tế, xã hội và môi trường [4, 2]; đồng thời nó đáp ứng định hướng phát triển bền vững của thời đại và ứng phó với BĐKH.

 Lợi ích về mặt kinh tế: Tổng kết kết quả xây dựng CTX ở một số nước đi đầu phát triển CTX trong hơn 20 năm qua, đặc biệt là ở Mỹ, thấy rằng: chi phí đầu tư cho CTX chỉ bằng hoặc cao hơn công trình được xây dựng theo thiết kế truyền thống cùng loại trung bình khoảng 5%, cao nhất khoảng 15%, nhưng chi phí vận hành sử dụng CTX sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20-30% do tiết kiệm sử dụng năng lượng, tiết kiệm nước sạch và tiết kiệm các chi phí khác. Do đó chỉ sau 4-5 năm vận hành CTX thì tiền tiết kiệm vận hành có thể bù đắp hoàn toàn số tiền tăng vốn đầu tư, và như vậy từ năm thứ 5-6 trở đi và lâu dài về sau tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành ngày càng lớn;

Lợi ích về mặt xã hội:  Người sống và làm việc trong các CTX sẽ có sức khỏe tốt hơn: Hội chứng bệnh sống trong nhà đóng kín (sick building) thường phát sinh trong các nhà văn phòng đóng kín cửa, sử dụng điều hòa không khí (ĐHKK) và chiếu sáng điện ban ngày, như là đau đầu, chóng mặt, toàn thân mệt mỏi, trầm cảm v. v… là một vấn đề nan giải trong nhiều thập kỷ qua; Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ ước tính rằng trong số 146.400 trường hợp tử vong ung thư phổi vào năm 1995, 21.100 trường hợp đã được xác định là có liên quan đến ô nhiễm không khí bên trong các tòa nhà không phải là CTX, và chi phí y tế điều trị bệnh cho những người này ở Mỹ đã lên tới hàng triệu đô la mỗi tháng. Sống và làm việc trong các CTX tránh được những vấn đề ô nhiễm và “sick building” như nói ở trên.  Chất lượng cuộc sống của dân cư trong các CTX được cải thiện, cảm thấy dễ chịu, thỏa mãn các dịch vụ sinh hoạt tiện nghi, nghỉ ngơi, giải trí thoải mái, không khí không bị ô nhiễm, an toàn sức khỏe, cộng đồng dân cư sống được tăng cường chia sẻ hòa hợp cộng đồng.  

Lợi ích về môi trường: Do sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả, đặc biệt là phát triển sử dụng năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, địa nhiệt, năng lượng sinh học, v.v…, cho nên CTX sẽ có tác dụng làm giảm thiểu tới khoảng 30% phát thải “khí nhà kính” của ngành xây dựng, là nguyên nhân gây ra BĐKH và mưa Axit;

    Chống lại hiện tượng “đảo nhiệt” trong đô thị, cải thiện môi trường vi khí hậu xung quanh;  Tái chế sử dụng nước mưa, nước xám trong CTX và đô thị xanh, tăng cường bề mặt thấm nước, sẽ tiết kiệm tài nguyên nước, giảm dòng chảy sói lở và úng ngập đô thị, chống ô nhiễm nguồn nước mặt.

        Trong khi trên Thế giới đang diễn ra cuộc “cách mạng xây dựng xanh” sôi nổi như vậy thì ở nước ta còn đang ở giai đoạn khởi đầu của phát triển CTX, chậm hơn các nước trên thế giới khoảng 15-20 năm. Sự chậm trễ và lạc hậu về phát triển CTX ở nước ta chính là do nước ta chưa có chiến lược, kế hoạch phát triển CTX. Tuy rằng Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về “Tăng trưởng xanh”, ban hành theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn quốc gia QCVN 09:2005/BXD- Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả, nay được thay thế bằng QCVN 09:2005/BXD, đây là tiêu chí quan trọng nhất đối với CTX, sự nghiệp phát triển CTX ở nước ta vẫn ở trong tình trạng tự phát, manh mún, cho đến nay số lượng công trình xây dựng được công nhận là CTX chỉ đếm trên đầu ngón tay (hình 1 và hình 2).

        Trong 2 năm 2013 – 2014 Bộ Xây dựng đã giao cho Hội Môi trường Xây dựng Việt nam (VACEE) Nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng "Chiến lược phát triển công trình xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" do tôi chủ trì thực hiện. Đến cuối năm 2014 VACEE đã hoàn thành Nhiệm vụ này và nộp sản phẩm (Dự thảo Chiến lược cuối cùng) cho Bộ Xây dựng.

 

Hình 1. Khu đô thị sinh thái Ecopart tại Văn Giang, Hưng Yên đã được Hội Kiến trúc Sư VN công nhận là “Công trình Kiến trúc Xanh Việt Nam” năm 2012.
 
Dự thảo "Chiến lược phát triển công trình xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" do VACEE nghiên cứu biên soạn bao gồm các vấn đề chính sau đây:
 
1.      QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN CTX
1.1. Phát triển CTX là thực hiện Luật số 50/2010/QH12 – “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” và chiến lược quốc gia về “Tăng trưởng xanh”của ngành xây dựng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp BVMT & PTBV đất nước;
1.2. Phát triển CTX cần phải phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ phát triển kinh tế - xã hội và bản sắc văn hóa Việt nam;
  1.3. Phát triển CTX là trách nhiệm xã hội của các cơ quan quản lý và tất cả các đối tác hoạt động xây dựng, cần được xã hội hóa và huy động sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.   
 
 
Hình 2. Hệ thống pin năng lượng mặt trời lớn nhất ở VN của công ty TNHH Intel Products Việt nam (TP Hồ Chí Minh), phát điện 321.000 KWh, giảm phát thải 221.300 kg lượng khí CO2 mỗi năm. Cuối năm 2012 Hội đồng CTX Mỹ (USGBC) đã công nhận cấp chứng chỉ LEED với mức Vàng cho Trụ sở của công ty này.
 
2. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CTX

       2.1. Mục tiêu lâu dài
     Phát triển CTX toàn diện trên phạm vi toàn quốc, có hiệu quả, vững chắc và nhanh, nhằm mục tiêu theo kịp trình độ của các nước phát triển CTX trung bình trên thế giới vào năm 2030.

       2.2. Mục tiêu phát triển từ nay đến năm 2020
        - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về CTX, để toàn bộ xã hội, các cộng đồng dân cư hưởng ứng phát triển CTX và các nhà đầu tư và kinh doanh xây dựng tích cực tham gia;

        - Ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan và các chính sách cơ bản khuyến khích, ưu đãi để phát triển CTX;

       -  Đạt tỷ lệ khoảng 25 - 30% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí CTX và khoảng 15 - 20% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí CTX;
       - Giảm khoảng 10-15% mức tiêu thụ năng lượng vận hành công trình tính trên 1m2 sàn nhà và khoảng 10- 15% mức phát thải khí nhà kính so với năm 2010.

       2.3. Định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2030
        -  Phấn đấu đến năm 2030 đưa hoạt động phát triển CTX trở thành hoạt động thường xuyên của ngành xây dựng; một số tiêu chí cơ bản của CTX sẽ trở thành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) bắt buộc áp dụng.

        - Phát triển từ xây dựng các CTX sang xây dựng các đô thị xanh và cải tạo nâng cấp các đô thị hiện có trở thành các đô thị xanh;  

       - Phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ khoảng 35 - 40% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí CTX và khoảng 25 - 30% số lượng các công trình xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí CTX;

      - Giảm khoảng 5-10%  mức tiêu thụ năng lượng tính trên 1m2 sàn nhà và khoảng 5-10% mức phát thải khí nhà kính so với năm 2020.
      
3. NỘI DUNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CTX
       3.1. Tạo lập và phát triển thị trường xây dựng CTX
      - Tiến hành tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục mọi người trong xã hội về những lợi ích to lớn của CTX đối với người bỏ vốn đầu tư xây dựng công trình, đối với người mua/bán hay thuê, sử dụng CTX, cũng như lợi ích về mặt BVMT và PTBV đối với toàn xã hội, nhằm mục đích kích thích nhu cầu (kích cầu) phát triển thị trường bất động sản về xây dựng CTX. Kích cầu thị trường bất động sản CTX mạnh mẽ từ phía khách hàng thì mới có thể chuyển đổi thị trường xây dựng CTX từ chỗ chỉ có một vài người cấp tiến và một số ít nhà lãnh đạo quan tâm đến xây dựng CTX trở thành một trào lưu chủ đạo về phát triển CTX của xã hội. Chuyển hướng quan tâm của thị trường bất động sản từ giá thành sang giá trị của công trình. Giá trị CTX ở đây bao gồm: chi phí vận hành công trình ít hơn, chi phí bảo trì CTX thấp hơn,  môi trường đạt chất lượng cao hơn, công trình bền vững hơn, thích ứng với BĐKH hơn, điều kiện  sống trong CTX tốt hơn, sức khỏe tốt hơn và hiệu suất làm việc có thể tăng hơn khoảng 5%. Các nhà đầu tư được gắn nhãn hiệu xanh, được nhìn nhận là hành động có trách nhiệm để bảo vệ và gìn giữ môi trường chung và do đó nhu cầu của khách hàng đối với các CTX sẽ gia tăng mạnh mẽ.

      3.2. Hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn xây dựng có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phát triển CTX
      - Từng bước rà soát, chỉnh sửa hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện có có liên quan sao cho phù hợp với phát triển CTX, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thích ứng với BĐKH.

     - Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn để phát triển CTX, bảo đảm  ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia để phát triển CTX.  

        3.3. Xây dựng và ban hành bộ tiêu chí CTX và hệ thống tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ công nhận CTX
        Bộ tiêu chí CTX phải có tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, khí hậu,  môi trường và con người Việt Nam, tiến dần từ thấp lên cao, đến năm 2030 theo kịp với trình độ của thế giới. Công trình xanh phải là công trình đáp ứng các tiêu chí cơ bản sau:

(1) Phù hợp với điều kiện thiên nhiên và con người VN, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học,  hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, hòa mình với không gian cây xanh và mặt nước;
(2) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo;
(3) Sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm và có hiệu quả;
(4) Phát triển sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và vật liệu tái sinh, tái chế;
(5) Không gây ra tác động xấu đối với môi trường xung quanh và đảm bảo chất lượng môi trường sống tốt nhất cho người sử dụng công trình;
(6) Tối ưu hóa hệ thống quản lý công trình để bảo đảm chất lượng môi trường trong nhà và sử dụng năng lượng có hiệu quả - Quản lý công trình “thông minh”.

        3.4. Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi và khuyến khích phát triển công trình xanh ở nước ta

       Khu vực tư nhân là nhân tố quan trọng thúc đẩy chính của phát triển CTX.  Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tư nhân, do chưa hiểu rõ các lợi ích thực sự của CTX mang lại nên thường khá do dự khi đầu tư vào xây dựng CTX, vì cho rằng sẽ bị phát sinh thêm nhiều chi phí hoặc rủi ro, họ thường ưa chọn phương án thu lại lợi nhuận trong thời gian ngắn, hơn là sự bền vững kinh tế và môi trường về lâu dài của công trình. Cần phải khắc phục “tầm nhìn ngắn hạn” này của các nhà đầu tư tư nhân.  Vì vậy, song song với việc đưa ra các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế và xây dựng CTX, cần phải xây dựng và ban hành các chính sách, các cơ chế nhằm tháo gỡ tất cả các rào cản, trở ngại đối với phát triển CTX, ưu đãi về vật chất và phi vật chất đối với các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào xây dựng CTX. 

    (1). Khuyến khích, ưu đãi về vật chất: Nhà đầu tư CTX được ưu tiên vay vốn, vay vốn với lãi suất thấp, được giảm trừ một số loại thuế đối với công trình, sử dụng các công cụ tài chính như thế chấp xanh đối với người mua CTX hay tín dụng xây dựng xanh dành cho người đầu tư xây dựng CTX; Các khoản hỗ trợ và cho vay đặc biệt có thể là giải pháp song song với các chính sách khuyến khích tài chính khác; Trong một số trường hợp có thể cho phép xây dựng tăng thêm diện tích sàn hoặc số tầng nhà đối với các công trình xây dựng đạt các tiêu chí CTX.

    (2). Khuyến khích phi vật chất:  Nhà nước xét chọn, công nhận và cấp chứng chỉ 1 sao, 2 sao, 3 sao hay chứng chỉ Bạc, Vàng, Kim cương cho các công trình đạt các tiêu chí của CTX;  Nhà nước khen thưởng chủ đầu tư công trình và tổ chức tư vấn thiết kế các công trình xanh đặc sắc, có các giải pháp thiết kế “xanh” sáng tạo, độc đáo, mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cao; Ưu tiên cấp phép đầu tư, rút ngắn thời gian xét cấp phép xây dựng, cấp phép đầu tư đối với CTX;  Khuyến khích và tạo điều kiện cần thiết để tiến hành nghiên cứu và sản xuất thực nghiệm trong việc cải tiến và chế tạo các thiết bị dùng trong nhà tiết kiệm sử dụng năng lượng, như trong việc chế tạo vật liệu không nung, vật liệu nhẹ, vật liệu địa phương, vật liệu thân thiện với môi trường, tái chế, tái sử dụng chất thải xây dựng; công nghệ tiết kiệm sử dụng nước, tái chế, tái sử dụng nước thải, tận dụng sử dụng nước mưa trong CTX, v.v…

      3.5. Đào tạo nhân lực và nâng cao năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng CTX
     (1). Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo chuyên gia về thiết kế và xây dựng CTX cho các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và kỹ sư các ngành khác có liên quan (môi trường, năng lượng, vật liệu, thiết bị trong nhà,…) hiện đang hoạt động trong ngành xây dựng.
     
     (2).  Tổ chức các lớp tập huấn để  tăng cường năng lực quản lý các dự án thiết kế và xây dựng CTX cho các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng và môi trường; Tăng cường năng lực thẩm định thiết kế các công trình về áp dụng các giải pháp thiết kế CTX.
     (3). Bổ sung kiến thức về CTX và đổi mới chương trình và kế hoạch đào tạo đại học và trên đại học ở các trường đại học có các ngành nghề liên quan, nhằm xây dựng nhân lực phục vụ phát triển CTX lâu dài của đất nước.      

      3.6. Các công trình được đầu tư công bng vốn ngân sách Nhà nước cần được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí CTX đ làm gương đi đầu, thúc đẩy khu vực đầu tư tư nhân noi theo

     Các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, như là các công sở, các trường học, bệnh viện, các công trình công cộng v..v… cần phải được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí CTX để làm gương, làm “hạt nhân” động lực thúc đẩy và phát động các nhà đầu tư tư nhân, các nhà xây dựng, các nhà thiết kế tư nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất và cộng đồng tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển CTX của Quốc gia. Khu vực đầu tư công không bị ràng buộc bởi chủ nghĩa “Chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế trước mắt”, vốn được coi là một trở ngại đối với sự đầu tư vào CTX trong khu vực tư nhân. Những hành động này thể hiện rõ ràng sự cam kết của Chính quyền đối với việc “xanh hóa” các công trình của Nhà nước, tạo ra các công trình thân thiện với môi trường và có lợi cho sức khỏe người dân trong toàn xã hội.

       3.7. Phát triển vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu tái chế, tái sinh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vật liệu trong xây dựng CTX
      - Phát triển sản xuất vật liệu thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả vật liệu xây dựng; 
      - Phát triển sử dụng vật liệu không nung trong điều kiện có thể;
      - Giảm thiểu, tái chế,  tái sử dụng chất  thải xây dựng trong CTX;  1. Reduce. Look for ways waste can be prevented in the first place by identifying potential
       - Cải thiện nguồn cung cấp thông tin về sản xuất, chế tạo các sản phẩm vật liệu và cấu kiện xây dựng thân thiện môi trường. Bảo đảm cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về các loại vật liệu xây dựng thân thiện môi trường nào là có sẵn và có thể tìm mua ở đâu.

      3.8. Sử dụng năng lượng có hiệu quả
      - Tận dụng thông gió tự nhiên và lựa chọn hệ thống ĐHKK tiết kiệm năng lượng;
      - Tận dụng ánh sáng tự nhiên, lựa chọn hệ thống chiếu sáng và thiết bị chiếu sáng nhân tạo tiết kiệm năng lượng;
       - Lựa chọn các loại thiết bị khác trong nhà như các thiết bị tủ lạnh, bơm nước, nấu nướng, thang máy, thông tin, văn phòng,… đều có công suất hợp lý và có hiệu suất sử dụng năng lượng cao.
      - Áp dụng công nghệ sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối.

       3.9. Sử dụng nguồn nước tiết kiệm và có hiệu quả, tái sử dụng nước thải
       - Lựa chọn sơ đồ cấp nước, quản lý vận hành phù hợp, sử dụng thiết bị dùng nước tiết kiệm, như là thiết bị xả nước vệ sinh cực nhỏ và hoa sen phun nước nhỏ, tự động đóng mở; 
        -  Tích trữ và sử dụng nước mưa;
        -  Tái chế và tái sử dụng nước thải.

        3.10. Hướng dẫn cho toàn dân biết cách quản lý, vận hành và bảo dưỡng CTX
        Tính năng ưu việt của CTX về hiệu quả kinh tế, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và môi trường, không chỉ phụ thuộc vào người thiết kế, người thi công xây dựng, mà còn phụ thuộc vào người sử dụng công trình. Vì vậy, đòi hỏi người sử dụng phải có nhiều kinh nghiệm và sáng tạo trong việc quản lý, vận hành và bảo dưỡng CTX, vận hành tất cả các hệ thống thiết bị trong CTX phải được giám sát và quản lý thông minh.
       
4. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

        4.1. Tiến hành tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và nâng cao nhận thức về CTX đối với mọi đối tượng trong xã hội 

        Cần phải tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và nâng cao nhận thức về CTX, đặc biệt là làm cho mọi người hiểu biết một cách chính xác thế nào là CTX, những lợi ích to lớn của CTX đem lại về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Huy động tất cả các tổ chức truyền thông của Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội khoa học kỹ thuật, nghề nghiệp có liên quan, bằng nhiều hình thức truyền thông khác nhau và bằng tất cả các phương tiện truyền thông hiện có để nâng cao nhận thức của công chúng về CTX, nhằm mục đích lôi kéo mọi người tham gia thị trường bất động sản về phát triển CTX.

       4.2. Ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật có liên quan để phát triển CTX 

Nhà nước cần phải nhanh chóng xây dựng và ban hành đầy đủ các văn bản pháp luật, như là Chiến lược, Kế hoạch phát triển CTX, bộ Tiêu chí CTX và các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn thiết kế xây dựng CTX, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho phát triển CTX ở nước ta.

       4.3. Hình thành hệ thống tổ chức đánh giá, xét chọn, công nhận và cấp chứng chỉ “Công trình xanh”

        Bộ Xây dựng là cơ quan chỉ đạo và đầu mối, huy động các Hội KHKT và nghề nghiệp có liên quan thực hiện tư vấn chọn và cấp chứng chí “Công trình xanh” ở nước ta.  Xây dựng quy trình và thủ tục xét chọn, công nhận và xếp hạng các công trình đạt các tiêu chí “Công trình xanh” và hàng năm tổ chức xét chọn, công nhận và cấp chứng chỉ “Công trình xanh”.   Khuyến khích các tổ chức xã hội, tài chính đặt ra các giải thưởng có giá trị để biểu dương các chủ đầu tư, các nhà thiết kế và xây dựng vươn tới các giá trị cao nhất, tốt nhất về công nghệ thiết kế và xây dựng CTX.

       4.4. Xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển CTX

a) Khuyến khích, ưu đãi về vật chất:  Nhà đầu tư cũng như người mua CTX được ưu tiên vay vốn, vay vốn với lãi suất thấp; nhà đầu tư được giảm trừ một số loại thuế đối với CTX; cho phép xây dựng tăng thêm diện tích sàn nhà hoặc số tầng nhà đối với CTX.
b) Khuyến khích phi vật chất:  Nhà nước xét chọn, công nhận và cấp chứng chỉ Bạc, Vàng, Kim cương và khen thưởng cho các chủ đầu tư CTX; trao giải thưởng thiết kế sáng tạo CTX; ưu tiên cấp phép đầu tư, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng đối với CTX.

        4.5. Tiến hành tổng điều tra và đánh giá thực trạng sử dụng năng lượng, cấp nước và các tài nguyên khác trong công trình xây dựng ở nước ta

        Tiến hành tổng điều tra, khảo sát và đánh giá thực trạng sử dụng năng lượng, cấp nước và các tài nguyên khác đối với một số loại công trình chủ yếu ở nước ta, nhằm xác định các chỉ tiêu tiêu thụ năng lượng, tài nguyên hợp lý và để đánh giá đúng nguyên nhân sử dụng kém hiệu quả năng lượng, nước và tài nguyên khác trong công trình, tìm ra các cơ hội và tiềm năng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nguồn nước và tài nguyên khác, xác định tiềm năng giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ hoạt động của các công trình xây dựng.

        4.6. Thiết kế và xây dựng thí điểm mô hình mẫu công trình xanh

         Nước ta cần thực hiện một dự án thiết kế và xây dựng thí điểm mô hình mẫu CTX với sự tuân thủ triệt để các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia và các tiêu chí về CTX, nâng tầm đạt được mức độ hiệu quả năng lượng cao nhất, như là công trình zêrô năng lượng ở Singapore – hình 3 (công trình zêrô năng lượng là công trình tự sản sinh ra năng lượng cân bằng với lượng tiêu thụ năng lượng của công trình), có hiệu quả sử dụng nước và vật liệu thân thiện môi trường, đạt chất lượng môi trường trong nhà cao hơn, tạo ra hình ảnh mẫu mực thực tế, tạo ra ví dụ tốt nhất để nhân rộng, thúc đẩy phát triển CTX ở nước ta.
Hình 3. Tòa nhà zero năng lượng ở Singapore [Nguồn: BCA Singapore]
 
        4.7.  Phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ về các giải pháp thiết kế và xây dựng CTX phù hợp với điều kiện Việt nam

        Nhà nước có kế hoạch đầu tư kinh phí, cũng như khuyến khích các công ty tư nhân đầu tư kinh phí cho các đề tài khoa học nhằm nghiên cứu phát triển các giải pháp “thiết kế và công nghệ xây dựng công trình xanh” theo các định hướng sau đây:

       1. Nghiên cứu các giải pháp về thiết kế kiến trúc và cấu tạo kết cấu bao che xung quanh công trình để nâng cao hiệu quả ngăn ngừa và giảm thiểu nhiệt bức xạ mặt trời xuyên qua kết cấu bao che vào nhà, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tái tạo, cải thiện chất lượng môi trường sống trong công trình;

      2. Nghiên cứu kết hợp hài hòa thông gió tự nhiên, thông gió cơ khí và ĐHKK để bảo đảm chất lượng môi trường không khí trong nhà, đồng thời tiết kiệm sử dụng năng lượng;

      3. Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để sử dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, giảm thiểu sử dụng ánh sáng điện, bảo đảm môi trường tiện nghi ánh sáng trong công trình;

      4. Nghiên cứu chế tạo các loại vật liệu và cấu kiện xây dựng mới, thân thiện môi trường; Phát triển sử dụng vật liệu tái sinh, vật liệu địa phương, và các loại kính xuyên ánh sáng tốt, nhưng ngăn che bức xạ nhiệt của mặt trời vào nhà, v.v…;

       5. Nghiên cứu công nghệ tái chế, tái sử dụng các chất thải xây dựng phát sinh từ thi công xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình;

       6. Phát triển sử dụng thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước, xử lý nước thải xám tại chỗ, tái sử dụng nước thải để tiết kiệm sử dụng nguồn nước sạch;

       7. Thu gom, lưu giữ và xử lý nước mưa để sử dụng, vừa có tác dụng giảm úng ngập trong mùa mưa, vừa có khả năng bổ sung nguồn nước trong mùa hạn hán;

        8. Nghiên cứu các biện pháp cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các thiết bị trong nhà, trước hết là thiết bị thông gió, ĐHKK và thiết bị chiếu sáng điện;

       9. Phát triển sử dụng năng lượng tái tạo trong công trình: năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng khí sinh học;

      10. Phát triển áp dụng và tối ưu hóa hệ thống tự động hóa quản lý tòa nhà;

       11. Nghiên cứu lựa chọn các loại cây xanh thích hợp và thiết kế cấu tạo kết cấu bao che nhà phù hợp để phát triển trồng cây xanh (cây xanh xung quanh nhà, cây xanh trên mặt tường, trên mái nhà, trên ban công, lôgia, hành lang, trong không gian thoáng hở và không gian khác trong nhà).

        4.8. Huy động các tổ chức CT-XH, các hội KHKT tham gia phát triển CTX

         Nhà nước cần đổi mới cơ chế huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và các hội khoa học kỹ thuật, hội nghề nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc và môi trường, như là các hội: hội Kiến trúc Sư, hội Môi trường Xây dựng, hội Môi trường Đô thị và Công nghiệp, hội Vật liệu Xây dựng, hội Chiếu sáng, hội Nhiệt Lạnh, v.v… tham gia phát triển CTX, tham gia tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về CTX, tham gia nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới về tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tái chế chất thải, sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường, cải thiện chất lượng môi trường sống trong công trình, phát triển CTX ở nước ta.

       4.9. Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong phát triển công trình xanh

       Tăng cường hợp tác với tất cả các nước, các tổ chức quốc tế trong phát triển CTX ở nước ta, đặc biệt là tăng cường hợp tác với Hội đồng Công trình Xanh Thế giới và các Hội đồng Công trình Xanh của các nước châu Á.
 
KẾT LUẬN  
Phát triển CTX là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại, nó mang lại lợi ích to lớn và lâu dài về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển CTX, chính là ngành xây dựng thực thi Luật “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, Chiến lược quốc gia về “Tăng trưởng xanh”, “Ứng phó với BĐKH”, đóng góp tích cực vào sự nghiệp BVMT & PTBV đất nước. Phát triển CTX ở nước ta lạc hậu và chậm hơn các các nước trên Thế giới ít nhất là khoảng 15 năm. Vì vậy chúng tôi đề nghi Bộ Xây dựng sớm ban hành Chiến lược phát triển CTX, Hệ thống tiêu chí CTX của VN, tiến hành xét chọn, công nhận và cấp chứng chỉ CTX, để đẩy mạnh trào lưu phát triển CTX ở nước ta theo kịp với các nước trên thế giới vào năm 2030.  
   
                                           Tài liệu tham khảo
1.      Phạm Ngọc Đăng (chủ biên) và NNK. Các giải pháp thiết kế công trình xanh ở Việt Nam.  Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội – 2014.
2.      Phạm Ngọc Đăng. Những lợi ích to lớn và lâu dài của xây dựng xanh và đề xuất các giải pháp phát triển.  Tạp chí “Môi trường”- Chuyên dề II-Tăng trưởng xanh, 2014, và Tạp chí “Quy hoạch xây dựng” số 71 + 72, năm 2015.
      3. Phạm Ngọc Đăng. Về Hệ thống các tiêu chí đánh giá công trình xanh ở Việt Nam. Tạp chí “Xây dựng”, số 9 – 2011.
      4. Green Building Benefits. http://bloomington.in.gov/green-building-benefits
      5. Green Building Basics www.calrecycle.ca.gov/greenbuilding/basics.htm
 
GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng
Prof.Dr.of Sc. Pham Ngoc Dang
 
 
Văn phòng Hội MTXDVN

Video clip


Hội môi trường xây dựng việt nam

Thư viện ảnh


Đơn vị thành viên

Quảng cáo