Hoạt Động Hội
Thứ Năm, 12/11/2015
Hiện trạng về Công trình xanh ở Việt Nam và đề xuất phát triển vật liệu và cấu kiện xây dựng cho Công trình xanh
HIỆN TRẠNG VỀ CÔNG TRÌNH XANH Ở VIỆT NAM VÀ
ĐỀ XUẤT PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU & CẤU KIỆN XÂY DỰNG CHO CÔNG TRÌNH XANH                                                                            
Current Status of Green Building in Vietnam and Proposing
Development of Building Materials & Structure for Green Building
 
I.    Sự ra đời của trào lưu phát triển công trình xanh trên thế giới
Cuối thế kỷ 20, trong bối cảnh môi trường ngày càng bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị suy thoái, nguồn năng lượng truyền thống ngày càng bị cạn kiệt, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng hiện hữu, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về “Môi trường và Phát triển” tại Rio de Janeiro, Brazin, năm 1992, đã ra Tuyên ngôn về “Chương trình môi trường và phát triển của thiên niên kỷ 21”. Trong bối cảnh đó vào năm 1993 ở nước Mỹ một số chuyên gia xây dựng, kiến trúc và môi trường đã phối hợp cùng nhau thành lập “Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ” (US. Green Building Council – USGBC) và phát động phong trào xây dựng công trình xanh (CTX) tại Mỹ.  USGBC đã nghiên cứu và ban hành bộ tiêu chí CTX đầu tiên trên thế giới, được gọi là “Chỉ đạo thiết kế môi trường và năng lượng- Đánh giá công trình xanh” (The Leadership in Energy and Environmetal Design– Green Building Rating, viết tắt là LEED), mở đầu cho một trào lưu phát triển CTX (cũng có người gọi là cuộc “Cách mạng xây dựng xanh” (Green Building Revolution)) trên khắp thế giới. Năm 1999, Chủ tịch Hội đồng CTX Hoa Kỳ Richard Fedrizzi đã viết: “Cuộc cách mạng CTX đang diễn  ra ở mọi nơi, mọi lúc. Nó đang làm biến đổi thị trường nhà đất và lối sống của cộng đồng. Nó là một phần của cuộc cách mạng phát triển bền vững rộng lớn, có thể biến đổi mọi thứ mà chúng ta đang có. Cuộc cách mạng này làm thay đổi môi trường xây dựng bằng cách tạo ra hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên, sức khỏe và các công trình hữu ích, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của công trình đối với cuộc sống đô thị và môi trường của địa phương, khu vực và toàn cầu” [4]. Như vậy trào lưu phát triển CTX được khởi đầu từ Mỹ và đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, cho đến nay đã có trên 100 nước đã thành lập Hội đồng Công trình Xanh, xây dựng hệ thống tiêu chí CTX của nước mình, thực hiện các chính sách, các biện pháp đẩy mạnh phát triển CTX và đã có hàng nghìn công trình được công nhận là CTX.

Sở dĩ trào lưu CTX được phát triển nhanh chóng và rộng rãi trên thế giới như vậy là vì CTX mang lại rất nhiều lợi ích to lớn và lâu dài về kinh tế, xã hội và môi trường [3]; đồng thời nó đáp ứng định hướng phát triển bền vững của thời đại và ứng phó với BĐKH.

 Lợi ích về mặt kinh tế: Tổng kết kết quả xây dựng CTX ở một số nước đi đầu phát triển CTX trong hơn 20 năm qua, thấy rằng: chi phí đầu tư cho CTX chỉ bằng hoặc cao hơn công trình được xây dựng theo thiết kế truyền thống cùng loại trung bình khoảng 5%, cao nhất khoảng 15%, nhưng chi phí vận hành sử dụng CTX sẽ tiết kiệm hơn công trình thông thường từ 20-30% do tiết kiệm sử dụng năng lượng, tiết kiệm nước sạch và tiết kiệm các chi phí khác. Do đó chỉ sau 4-5 năm vận hành CTX thì tiền tiết kiệm vận hành có thể bù đắp hoàn toàn số tiền tăng vốn đầu tư, và từ năm thứ 5-6 trở đi tổng lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành ngày càng lớn hơn.

Lợi ích về mặt xã hội:  Sống và làm việc trong các CTX tránh được những vấn đề ô nhiễm môi trường và “sick building”.  Chất lượng cuộc sống trong các CTX được cải thiện, dễ chịu, thỏa mãn các dịch vụ sinh hoạt tiện nghi, nghỉ ngơi, giải trí thoải mái, an toàn sức khỏe, tăng cường chia sẻ hòa hợp cộng đồng, tăng năng xuất lao động khoảng 5%. 

Lợi ích về môi trường: Do sử dụng năng lượng, nước và vật liệu tiết kiệm và có hiệu quả, cho nên CTX sẽ có tác dụng làm giảm thiểu tới khoảng 30% phát thải “khí nhà kính” của ngành xây dựng, là nguyên nhân gây ra BĐKH và mưa Axit; Chống lại hiện tượng “đảo nhiệt” trong đô thị, cải thiện môi trường vi khí hậu xung quanh;  Tái chế sử dụng nước mưa, nước xám, tăng cường bề mặt thấm nước, giảm dòng chảy úng ngập đô thị, chống ô nhiễm nguồn nước mặt.
 
II. Hiện trạng phát triển CTX ở nước ta
        Trong khi trên Thế giới đã và đang diễn ra cuộc “cách mạng xây dựng xanh” sôi nổi như vậy thì ở nước ta còn đang ở giai đoạn khởi đầu của phát triển CTX, chậm hơn các nước trên thế giới ít nhất là khoảng 15 năm. Sự chậm trễ và lạc hậu về phát triển CTX ở nước ta chính là do nước ta chưa có chiến lược, kế hoạch phát triển CTX. Tuy rằng ở nước ta đã có Chương trình Nghị sự 21 về BVMT&PTBV, đã ban hành Luật “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, Chiến lược quốc gia về “Tăng trưởng xanh”, Kế hoạch “Ứng phó với BĐKH”, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn quốc gia QCXDVN 09:2005/BXD- Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả, nay được thay thế bằng QCVN 09:2013/BXD, nhưng sự nghiệp phát triển CTX ở nước ta vẫn ở trong tình trạng tự phát, manh mún, cho đến nay số lượng công trình xây dựng được công nhận là CTX chỉ đếm trên đầu ngón tay.

1.      Bộ Xây dựng với phát triển công trình xanh ở nước ta

       Bộ Xây dựng coi tiêu chí “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” là tiêu chí quan trọng nhất của CTX.  Với sự hỗ trợ của nhóm Tư vấn Quốc tế Derenger (Hoa Kỳ) đã biên soạn và ban hành QCXDVN 09: 2005/BXD- Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả. Bộ Xây dựng đã giao cho Hội Môi trường Xây dựng VN, với sự hỗ trợ của IFC tiến hành chỉnh sửa quy chuẩn này thành QCVN 09: 2013/BXD. Đây là văn bản pháp quy quy định các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế kết cấu bao che công trình và sử dụng các thiết bị trong nhà, như là thiết bị chiếu sáng, điều hoà không khí (ĐHKK), đun nước nóng và các thiết bị khác trong các công trình thương mại, trụ sở cơ quan Nhà nước, nhà ở cao tầng, khách sạn,... có diện tích mặt sàn từ 2500 m2 trở lên. QCVN 09:2013/BXD là điều kiện tiên quyết và tối thiểu để một công trình xây dựng được công nhận là CTX. Để khuyến khích và thúc đẩy phát triển phong trào “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toà nhà”, năm 2012 Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc thi “Công trình kiến trúc tiết kiệm năng lượng”. Năm tiêu chí được đánh giá trao giải thưởng là: (1) Giải pháp thiết kế liên quan đến BVMT, (2) Giải pháp thiết kế kiến trúc có hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, (3) Giải pháp thiết kế kỹ thuật có hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, (4) Điều kiện tiện nghi vi khí hậu và mức độ hài lòng của người sử dụng, (5) Sự thích ứng và khả năng phát triển. Mười công trình kiến trúc hiệu quả năng lượng đã được Ban Tổ chức cuộc thi trao giải thưởng tại Bộ Xây dựng ngày 28/3/2013. Trong 2 năm 2013 và 2014 Bộ Xây dựng đã giao cho Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (VACEE) thực hiện Đề tài nghiên cứu xây dựng “Chiến lược phát triển công trình xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và Đề tài nghiên cứu xây dựng “Bộ tiêu chí đánh giá và công nhận công trình xanh của Việt Nam”. VACEE đã hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn và đã nộp sản phẩm cho Bộ Xây dựng.

2. Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) và phát triển CTX ở Việt Nam
       Năm 2007 VGBC chính thức được phép hoạt động ở Việt nam. VGBC do một nhóm người Mỹ và Việt kiều ở Mỹ đứng ra thành lập, được “Quỹ thành phố Xanh” của Bang California tài trợ, như vậy VGBC thực chất là một tổ chức NGO của người nước ngoài được phép hoạt động ở Việt Nam. VGBC đã hoạt động rất tích cực. Đến nay VGBC đã xây dựng và công bố 3 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật sử dụng công cụ LOTUS: đối với nhà ở, đối với phi nhà ở và đối với công trình hiện hữu.  Bảng 1 giới thiệu tóm tắt các chỉ tiêu và điểm số công trình xanh LOTUS đối với công trình phi nhà ở (2011). VGBC đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về công trình xanh. Cho đến nay đã có một số dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài đã đăng ký và được VGBC cấp chứng chỉ công trình xanh LOTUS, như là Dự án tòa nhà Xanh One - Liên Hợp Quốc ở Hà Nội (hình 1).

        Có thể đánh giá VGBC là tổ chức có công đầu tiên truyền bá phát triển CTX ở nước ta. Tuy vậy, VGBC  là một tổ chức NGO của người nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, nên có một số tiêu chí công trình xanh, quy trình và thủ tục đánh giá, cấp chứng chỉ công trình xanh chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
 
Bảng 1. Điểm cho từng tiêu chí CTX của LOTUS đối với công trình phi nhà ở (2011)
 
TT Tiêu chí Tỷ lệ điểm (%) Số điểm cao nhất
1 Năng lượng 23 34
2 Nước 10 15
3 Vật liệu 13 20
4 Sinh thái 9 13
5 Chất thải và ô nhiễm 9 13
6 Sức khỏe và tiện nghi 13 20
7 Thích ứng và giảm nhẹ BĐKH 8 12
8 Cộng đồng 7 10
9 Quản lý 8 12
  Tổng cộng  = 100 150
10 Cộng thêm điểm thưởng sáng kiến   150 + 8 = 158
      
Bị chú:          - Công trình đạt 0 – 59 điểm: Không được cấp Chứng chỉ LOTUS;
               - Công trình đạt 60 – 82 điểm: Được cấp Chứng chỉ LOTUS;
- Công trình đạt 83 – 105 điểm: Được cấp Chứng chỉ LOTUS Bạc;
- Công trình đạt 106 – 150 điểm: Được cấp Chứng chỉ LOTUS Vàng.
 
Hình 1. Dự án tòa nhà Xanh One -
Liên Hợp Quốc tại Hà Nội
 
 
3. Hội Kiến trúc sư Việt Nam và phát triển công trình xanh
 
       Hội Kiến trúc sư Việt Nam rất quan tâm đến việc phát triển kiến trúc xanh ở nước ta. Tháng 4 năm 2011, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã thành lập Hội đồng “Kiến trúc Xanh VN”. Thực hiện tuyên ngôn “Kiến trúc Xanh Việt Nam”, 2011, Hội Kiến trúc sư VN đã phát động cuộc thi tuyển chọn công trình kiến trúc xanh Việt Nam dựa trên 5 tiêu chí sau: (1) Địa điểm xây dựng bền vững, (2) Sử dụng tài nguyên, năng lượng có hiệu quả, (3) Chất lượng môi trường trong nhà tốt, (4) Kiến trúc tiên tiến, bản sắc, (5) Tính xã hội-nhân văn bền vững. Theo suy nghĩ của chúng tôi thì 3 tiêu chí đầu trong 5 tiêu chí trên là phù hợp với các tiêu chí CTX ở các nước trên Thế giới, còn 2 tiêu sau, chí 4 và 5, là rất đặc thù của kiến trúc VN, không nước nào dùng, rất khó định lượng về tính chất “Xanh” đối với 2 tiêu chí này. Cho đến nay Hội Kiến trúc Sư VN đã tổ chức 2 lần tuyển chọn và công nhận “Công trình Kiến trúc Xanh Việt Nam”, mỗi lần công nhận khoảng 10 công trình “kiến trúc xanh”, như là trường PTCS Phan Chu Trinh Dĩ An - Bình Dương (hình 2); ECOPARK - khu đô thị sinh thái Văn Giang - Hưng Yên (hình 3).  
 
 
Hình 2. Trường PTCS Phan Chu Trinh, Dĩ An (5 tầng) tại Đồng Tân,  Thị trấn Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
 
 
 
 
Hình 3. Khu đô thị sinh thái Ecopart tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
 
 
       4. Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam và phát triển công trình xanh
        Từ năm 2005 các chuyên gia của Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (VACEE) đã viết nhiều bài báo về CTX, đô thị xanh, đăng trên các tạp chí chuyên môn ở trong nước, cũng như tham gia trình bày các báo cáo về CTX trong các hội thảo khoa học có liên quan, nhằm truyền bá các hiểu biết và thúc đẩy phong trào học tập kinh nghiệm quốc tế để phát triển CTX ở nước ta. Năm 2011 VACEE đã thành lập Hội đồng “Xây dựng Xanh Việt Nam” (GBCVietnam). Hội đồng GBCVietnam đã tích cực đóng góp ý kiến cho việc thực hiện 2 Đề tài nghiên cứu về CTX mà Bộ Xây dựng đã giao cho VACEE chủ trì thực hiện, đó là Đề tài “Nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển công trình xanh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và Đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá và công nhận công trình xanh ở Việt Nam”. Tại bảng 2 Giới thiệu bộ tiêu chí (cơ bản) đánh giá công trình xanh do VACEE đề xuất. VACEE đã tư vấn cho Bộ Xây dựng xét, đánh giá theo 7 tiêu chí CTX (bảng 2) đối với khu nhà ở cao cấp Thăng Long No 1 (ngã tư Khuất Duy Tiến – Đại lộ Thăng Long, Hà Nội) của Công ty Vigracera và Bộ Xây dựng đã công nhận công trình này là CTX của Việt Nam.

Bảng 2. Bộ tiêu chí (cơ bản) đánh giá công trình xanh do GBCVietnam đề xuất
 
Tiêu chí Nội dung (Tiểu tiêu chí) Điểm
1. Địa điểm xây dựng bền vững: Bảo vệ môi trường, bảo tồn sinh thái 1: Bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan; hài hòa với kiến trúc kế cận 1-5
2: Mật độ xây dựng 1-4
3: Tiếp cận giao thông công cộng 1-3
4: Kết nối cộng đồng 1-5
5: Thảm xanh và giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị 1-3
6: Thu gom, xử lý chất thải xây dựng, sinh hoat 1
7: Quản lý chất làm lạnh cơ bản 1
Cộng : 7 Tiểu tiêu chí 22
2. Hiệu quả
Năng lượng
1. Thiết kế vỏ công trình có hiệu quả năng lượng  1-20
 
2. Giảm điện năng tiêu thụ của công trình 1-10
3. Tận dụng chiếu sáng tự nhiên 1-5
4. Chiếu sáng nhân tạo có hiệu quả 1-4
5. Thu hồi nhiệt để sử dụng  tại chỗ 1-3
6. Năng lượng xanh, năng lượng tái tạo 1-2
7. Thiết bị kiểm soát năng lượng 1
Cộng : 7 Tiểu tiêu chí 45
3. Hiệu quả sử
dụng nước
1. Giảm lượng nước sử dụng  1-4
2. Xử lý nước thải để tái sử dụng 1-3
3. Thu gom nước mưa để tưới cây và xử lý để sử dụng 1-2
4. Giám sát sử dụng nước 1
Cộng : 4 Tiểu tiêu chí 10
4. Vật liệu 1. Tái sử dụng vật liệu, cấu kiện xây dựng 1-2
2. Tái chế vật liệu để sử dụng lại 1-2
3. Sử dụng vật liệu tái sinh 1
4. Sử dụng gỗ xây dựng từ nguồn bền vững 1
5. Sử dụng vật liệu xây dựng không nung 1-2
Cộng : 5 Tiểu tiêu chí 8
5. Chất lượng môi trường
trong nhà
1. Tiện nghi vi khí hậu 1-2
2.  Không gian chuyển tiếp trong / ngoài nhà 1-3
3. Tiện nghi ánh sáng 1-2
4. Tiện nghi âm thanh, tiếng ồn 1
5. Vật liệu nội thất  không phát thải chất độc hại 1
6. Tầm nhìn ra không gian bên ngoài 1
Cộng : 6 Tiểu tiêu chí 10
6. Quản lý 1. Quản lý, bảo hành công trình: Có chương trình, giải pháp giữ được chất lượng xanh trong thời gian vận hành 1-3
2. Có chương trình, kế hoạch quản lý sáng tạo để cải tạo nâng cao chất lượng xanh của công trình  trong thời gian  vận hành 1-2
Cộng : 2 Tiểu tiêu chí 5
7. Sáng tạo 1. Sáng tạo các giải pháp không gian, cấu tạo kiến trúc thích ứng với khí hậu 1-5
2. Áp dụng sáng tạo các thiết bị công nghệ mới, tiến bộ về năng lượng và xử lý chất thải, cải tạo môi trường 1-3
Cộng : 2 Tiểu tiêu chí 8
Cộng :  7  Tiêu chí  =  100 + 8 điểm
 
     
5.      Hội đồng công trình xanh của Mỹ và phát triển CTX ở nước ta
      Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC) đã trực tiếp tiến hành xét công nhận CTX cho một số công trình được đầu tư từ nước ngoài ở Việt Nam theo các tiêu chí LEED. Đó là Trụ sở Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (ở TP Hồ Chí Minh)- hình 4 và trụ sở Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam (ở tỉnh Đồng Nai)- hình 5.
 
 
Hình 4. Hệ thống pin năng lượng mặt trời lớn nhất ở Việt Nam của  Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, TP Hồ Chí Minh, phát điện 321.000KWh, giảm phát thải 221.300 kg lượng khí CO2 mỗi năm. (Trụ sở của Công ty đã được USGBC cấp Chứng chỉ LEED Vàng năm 2012)

 
 
 
 
 
 
 
Hình 5. Phối cảnh công trình President Palace (Trung tâm TP Hồ Chí Minh) đã được USGBC cấp Chứng chỉ LEED Vàng, năm 2013
 
 
III. Phát triển vật liệu và cấu kiện xây dựng xanh để phát triển CTX nhanh & vững chắc
     Một trong các tiêu chí không thể thiếu trong bộ tiêu chí CTX ở tất cả các nước trên thế giới là CTX phải sử dụng vật liệu và cấu kiện xây dựng xanh và thân thiện môi trường, như là:
- Sử dụng tiết kiệm vật liệu từ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, nhất là đối với vật liệu không thể tái sinh, tối đa hóa việc sử dụng vật liệu địa phương, giảm thiểu chất thải từ giai đoạn thiết kế, thi công xây dựng đến giai đoạn sửa chữa nâng cấp công trình;
- Sử dụng vật liệu không phát sinh chất ô nhiễm độc hại đối với sức khỏe của con người;  
- Vật liệu và cấu kiện xây dựng hàm chứa năng lượng thấp, tức là ít hoặc không tiêu thụ năng lượng, ít hoặc không phát thải khí CO2, trong quá trình sản xuất ra nó (vật liệu không nung);
- Phát triển sử dụng vật liệu nhẹ, vừa có khả năng cách nhiệt tốt, vừa giảm tải trọng tự thân công trình, do đó giảm chi phí cho kết cấu chịu lực và nền móng công trình;
- Tái sử dụng và tái chế chất thải (đặc biệt là chất thải xây dựng);
- Ưu tiên sử dụng vật liệu và các chế phẩm từ vật liệu tự nhiên có thể tái sinh nhanh, như tre, nứa, gỗ, chất thải sau thu hoạch sản xuất nông nghiệp, v.v…
 
Cần phải phát triển một số vật liệu thân thiện môi trường ở trong nước

1. Vật liệu xây dựng không nung
Nhà nước ta đã ý thức sâu sắc về việc tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, giảm thiểu phát thải “khí nhà kính” trong sản xuất, chế tạo vật liệu xây dựng (VLXD), đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai. Phát triển VLXD không nung để từng bước thay thế gạch đất sét nung, hạn chế sử dụng đất sét và đốt than, giảm thiểu khí thải ô nhiễm môi trường và khí CO2. Ngoài ra, việc sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp như tro, xỉ, mạt đá… để sản xuất vật liệu không nung cũng góp phần giảm một lượng đáng kể các chất thải rắn thải ra môi trường. Theo Quyết định số 567/QĐ-TTg về Chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020, chỉ tiêu sử dụng VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 – 25% vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020. Hàng năm sử dụng khoảng 15 – 20 triệu tấn phế thải công nghiệp để sản xuất vật liệu không nung, tiết kiệm khoảng 1000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải, tiến tới xóa bỏ các cơ sở sản xuất và sử dụng vật liệu đất sét nung.
2. Gạch bê tông
Cũng theo Quyết định số 567 QĐ/TTg: gạch không nung có 3 loại, trong đó gạch xi măng cốt liệu được ưu tiên phát triển chủ đạo, chiếm tỷ lệ trên 70% trên tổng số VLXD không nung; gạch nhẹ (gạch bê tông khí chưng áp –AAC và gạch bê tông bọt) chiếm khoảng 25%; còn lại là các sản phẩm khác như gạch đất hóa đá, gạch đá ong. Gạch xi măng cốt liệu có nhiều ưu điểm và đã được tin dùng trong hàng loạt công trình cao tầng, khi sử dụng gạch xi măng cốt liệu sẽ giúp cho chủ đầu tư giảm giá thành xây dựng, nâng cao chất lượng công trình và rút ngắn thời gian thi công. Bởi vì chi phí cho sản xuất gạch xi măng cốt liệu rẻ hơn gạch đất sét nung từ 15-20%. Thí dụ như gạch bê tông rỗng của công ty Khang Minh (tỉnh Hà Nam) – hình 6.  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Hình 6. Tường gạch bê tông rỗng Khang Minh có khả năng chống thấm, cách âm, cách nhiệt
3. Gạch chất thải rắn công nghiệp
Một số công ty môi trường đô thị (URENCO) ở nước ta đã đầu tư phát triển dây chuyền công nghệ sản xuất các loại gạch không nung bằng cách nghiền các phế thải công nghiệp, chất thải rắn vô cơ công nghiệp và sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng, tro, xỉ của các lò đốt, trộn chúng với xi măng, bột màu và ép nén trong các khuôn tạo hình để sản xuất ra các loại gạch lát vỉa hè, lát đường, sân bãi, như hình 7 biểu thị.
 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 

Hình 7. Gạch bê tông được sản xuất từ phế thải công nghiệp và chất thải rắn của Cty TNHH    Một thành viên Cấp Thoát Nước - Môi trường Bình Dương.
 
 
4. Vật liệu tái sinh nhanh
Đối với phát triển CTX cần phải giảm khai thác, sử dụng nguyên vật liệu hữu hạn, không tái sinh hoặc có chu kỳ tái sinh dài. Cần phải thay thế sử dụng chúng bằng sử dụng các nguyên vật liệu có khả năng tái sinh nhanh. Phần lớn các nguyên vật liệu, sản phẩm có tính tái sinh nhanh là các nguyên vật liệu, sản phẩm được khai thác, chế tạo từ thực vật có thể tái sinh trong vòng 10 năm hoặc ngắn hơn. Theo LEED-2005 thì cứ tăng 2,5% tổng giá trị của toàn bộ nguyên vật liệu và sản phẩm xây dựng sử dụng cho công trình bằng các nguyên vật liệu có khả năng tái sinh nhanh thì công trình đó sẽ được cộng thêm 1 điểm đánh giá CTX. Ở rất nhiều địa phương trong nước ta có các nguồn nguyên vật liệu có khả năng tái sinh nhanh rất phong phú, như là tre, bương, luồng, nứa, mây, gỗ, sợi bông, lót vải sơn, ván ép bằng gỗ vụn, ván ép bằng rơm rạ, trấu và cây bần, ván ép bằng sợi dừa và vật liệu và sản phẩm bằng gỗ, được khai thác từ các khu rừng được quản lý đảm bảo bền vững, nhất là rừng trồng được khai thác theo quy hoạch. KTS Võ Trọng Nghĩa đã có nhiều thiết kế sáng tạo các công trình kiến trúc xanh sử dụng tối đa các vật liệu tre, vầu, dây mây. Rất nhiều công trình kiến trúc của KTS Võ Trọng Nghĩa đã được giải thưởng về kiến trúc ở trong nước và ngoài nước.
 
5. Vật liệu và cấu kiện xây dựng không phát thải chất độc hại môi trường
Vật liệu xây dựng có thể hàm chứa và phát thải khí ô nhiễm độc hại đối với môi trường, đó thường là các vật liệu bao phủ, hoàn thiện bề mặt nội ngoại thất, như là các loại sơn, vôi ve, vecni, các chất kết dính, gỗ ép, các tấm vật liệu ép từ chất thải nông nghiệp, vật liệu nhét đầy và các chất đệm được dùng trong công trình xây dựng. Ngoài ra còn có các vật liệu xây dựng thông thường, như cát, đá, sỏi, … được khai thác từ các vùng có nồng độ phóng xạ tự nhiên cao, khi chúng được sử dụng trong công trình sẽ phát thải ra bức xạ Radon trong phòng, gây ô nhiễm phóng xạ trong công trình. Vì vậy để tránh ô nhiễm khí độc hại và các mùi hôi, khó chịu, phát sinh từ vật liệu và cấu kiện xây dựng, gây ra các tác động tiêu cực đối với sức khỏe của các công nhân thi công xây dựng, cũng như đối với người sử dụng công trình, cần phải lựa chọn các loại vật liệu có tính năng ít phát thải hoặc không phát thải khí ô nhiễm độc hại môi trường. 
a) Chất kết dính, chất đệm và sơn phủ các loại
Tất cả các loại chất kết dính, chất đệm và sơn lót, sơn phủ được sử dụng trong công trình xanh, theo bộ chỉ thị LEED-2005, cần phải tuân theo yêu cầu của tiêu chuẩn an toàn môi trường cho trong bảng 3.
 
Bảng 3. Tiêu chuẩn nhãn xanh đối với chất kết dính, chất phủ đệm và sơn (theo LEED-2005)
 
Chất kết dính, chất phủ đệm và sơn Giới hạn VOC (g/L)
Kết quả chung của phun sương 65% VOC
Kết quả chung của phun màng phủ 55% VOC
Kết quả đặc biệt của chất kết dính aerosol (các loại) 70% VOC
Chất kết dính thảm trong nhà 50
Chất kết dính thảm đệm 50
Chất kết dính sàn gỗ 100
Chất kết dính gạch men 65
Chất kết dính kim loại với kim loại 30
Chất kết dính bịt kín hoàn toàn các khe và mối nối 50
Nhựa bọt 50
Nguyên vật liệu xốp (kể cả từ gỗ)                                         50
Sợi thủy tinh 80
Chất kết dính thành phầm cấu trúc gỗ 140
Hoạt động ứng dụng tấm lót cao su 850
Sơn lót keo                                        250
Chất kết dính sơn lót 550
Sơn kiến trúc, sơn phủ bề mặt tường, trần Phẳng: 50, không phẳng: 1540
Sơn chống ăn mòn và han gỉ đối với kim loại đen 250
Sơn dầu, vecni gỗ sạch 350
Sơn đồ dùng bằng gỗ 550
Vật liệu lót chống thấm 250
 
b) Gỗ tổng hợp và sản phẩm ép sợi nông nghiệp
Cần phải giảm thiểu chất ô nhiễm không khí trong nhà phát sinh từ gỗ tổng hợp và sản phẩm ép sợi nông nghiệp gây ra mùi hôi khó chịu và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người thi công lắp đặt và sự tiện nghi môi trường sống của người sử dụng công trình. Gỗ tổng hợp bao gồm gỗ ép tổng hợp, gỗ dán, ván ép gỗ dăm, v.v… Các sản phẩm sợi nông nghiệp bao gồm ván dăm, ván sợi nông nghiệp, panel và bản ép tre, nứa, rơm rạ, vỏ trấu, vỏ dừa, sợi dừa, sợi cọ, v.v… Gỗ tổng hợp và sản phẩm sợi ép nông nghiệp được sử dụng trong nội thất không được chứa nhựa ure formaldehit.
 
IV. Giới thiệu một số vật liệu và cấu kiện xây dựng xanh đang được dùng phổ biến ở các nước ASEAN
 
        Dựa trên tài liệu [5] chúng tôi giới thiệu một số vật liệu và cấu kiện xây dựng xanh, được sản xuất và sử dụng rộng rãi ở một số nước ASEAN. Hy vọng rằng các nhà sản xuất vật liệu và cấu kiện xây dựng của nước ta sẽ tìm hiểu vấn đề này, hợp tác chuyển giao công nghệ hoặc tiến hành nghiên cứu các công nghệ mới để tự chế tạo, sản xuất các sản phẩm tương tự, để tạo điều kiện vật chất cho phát triển CTX ở nước ta một cách nhanh và bền vững.
 
    1. Lớp màng phủ bề mặt công trình 3MTM DI-NOCTM (3M Malaysia SDN BHD)
Vật liệu 3MTM DI-NOCTM là vật liệu ép dẻo tự dính, là vật liệu lý tưởng để dán trên các bề mặt kiến trúc hoặc đồ đạc hay thiết bị trong nhà với mục đích trang trí nhà mới hay tân trang lại nội thất và ngoại thất nhà cũ. Vật liệu 3MTM DI-NOCTM là sản phẩm theo tiêu chuẩn môi trường ISO 14001. Nó góp phần giúp cho công trình đạt được tín chỉ công trình xanh LEED vì đã giảm thiểu chất thải xây dựng khi tân trang, nâng cấp, sửa chữa nhà.  Dùng vật liệu này đối với tất cả các loại hình kết cấu và mô hình vật liệu (gỗ, kim loại, đá cẩm thạch, da, đá, vữa…), với những chức năng của VLXD được thiết kế để đưa ra những sáng tạo không giới hạn và hình thức kiến trúc tự do sẽ tạo ra một hình thức kiến trúc hoàn toàn mới và cho một cảm giác đặc biệt. Màng phủ 3MTM DI-NOCTM có tính năng chống cháy, chống mài mòn, chống ẩm, chống ăn mòn hóa học và mốc ố, chống khuẩn, tuổi thọ trên 10 năm.
    
    2. Lớp màng mỏng dán kính 3MTM cho cửa sổ (3M Malaysia SDN BHD)
       Lớp dán kính 3MTM cho cửa sổ làm tăng vẻ đẹp cho cửa sổ, nó tạo ra tính năng công trình xanh cho công trình kiến trúc, bới vì nó có tác dụng che chống nắng, ngăn nhiệt bức xạ xuyên qua cửa sổ vào nhà, giảm chi phí năng lượng cho hệ thống ĐHKK, vẫn cho ánh sáng bầu trời xuyên qua, ngăn tia tử ngoại chiếu vào, tăng tính tiện nghi vi khí hậu trong công trình, che tia nhìn thấy qua cửa sổ từ bên ngoài, gia tăng an toàn và an ninh, có tuổi thọ trên 10 năm. Lớp dán 3MTM đã nhận bản quyền sáng chế đầu tiên vào năm 1966. Tuy vậy, nhược điểm của nhà cao tầng có các mảng tường kính lớn dán lớp vật liệu 3MTM này là gây ra cái gọi là “mối nguy hại của hiện tượng phản quang rất mạnh”, gây nguy hại cho an toàn giao thông và xâm hại cuộc sống riêng tư của các nhà đối diện kề bên. Mối nguy hại của phản quang này cũng là mối nguy hại làm cho chim muông bay trên trời chết vì bị va chạm mạnh vào tường kính của nhà.
 
      3. Kính sinh thái (Eco glass technology SDN BHD)
       Công nghệ sáng tạo ra kính sinh thái được phát triển từ 1 loại kính với đặc tính chọn lọc bước sóng đặc biệt đối với bức xạ mặt trời. Tuy rằng bề ngoài kính nhìn thấy trong suốt cho phép nhận được nhiều ánh sáng tự nhiên, nhưng nó lại ngăn chặn được tia nhiệt và UV của bức xạ nhiệt của mặt trời xuyên vào nhà. Kính sinh thái là loại kính bề mặt được phủ lớp EG-KB90. Kính có thể được sản xuất qua các quá trình như là luyện, cán mỏng, thấm nóng… Lớp màng phủ được làm bằng cách sử dụng công nghệ nano sol-gel. 
 
       4. Tấm trần năng lượng Queen (Victory plaster ceiling SDN BDH)
        Tấm trần năng lượng Queen được sản xuất, chế tạo bằng cách sử dụng công nghệ sinh học của Nhật Bản và Hàn Quốc, sử dụng các nguyên vật liệu bức xạ tự nhiên, như là chất khoáng tuamalin và silicat, nên có thể phát sinh ion âm và tia hồng ngoại. Tấm trần năng lượng Queen có độ dẫn nhiệt kém, tính phân cách tốt, có thể giúp giảm tiêu thụ năng lượng của hệ thống ĐHKK. An toàn, không tạo ra chất độc hại, đạt quy định kiểm tra về phát thải formaldehit của tổ chức PSB Singapore và về kim loại nặng của SGS Malaysia, có thể thay thế máy ion và máy lọc không khí, khử các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC), cải thiện chất lượng không khí trong nhà.  
 
 
       5. Gạch sinh thái EXXOMAS (Exxomax (PG) SDN BHD)
        Gạch sinh thái EXXOMAS là một sản phẩm cải tiến được phát triển từ việc khắc phục các thiếu sót cuả gạch nung đất sét. Chúng được sản xuất từ chất thải công nghiệp, như tro, xỉ, bụi, liên kết với cát, bùn, đất xét và vôi. Hệ số dẫn nhiệt của loại gạch này thấp hơn 3 lần so với gạch đất sét nung, thấp hơn 7 lần so với bê tông . Sản xuất gạch EXXOMAS không đòi hỏi quá trình nung, hấp hoặc các quy trình làm nóng khác. Kỹ thuật xanh trong sản xuất gạch này cho phép sản xuất tiết kiệm năng lượng ít nhất từ 5-10 lần so với sản xuất các loại gạch đất sét nung hoặc các sản phẩm hấp nóng hiếu khí khác, do đó làm giảm lượng phát thải khí CO2 và không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên như các loại gạch nung thông thường.
     
Kết luận
      Phát triển CTX mang lại các lợi ích to lớn và lâu dài về kinh tế, xã hội và môi trường, trào lưu phát triển CTX đang diễn ra sôi nổi trên toàn thế giới, nhưng ở nước ta phát triển CTX vẫn còn ở giai đoạn khởi đầu, chậm hơn các nước khác ít nhất là khoảng 15 năm. Vì vậy đề nghị Nhà nước nhanh chóng ban hành chiến lược, kế hoạch và các chính sách khuyến khích phát triển CTX. Cần phải đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng các công nghệ tiên tiến chế tạo và sản xuất ra các vật liệu và cấu kiện xây dựng xanh, thân thiện môi trường, như ở một số nước tiên tiến trong ASEAN, để đảm bảo cho CTX ở nước ta có cơ sở vật chất phát triển nhanh và vững chắc.

                                           Tài liệu tham khảo
1.      Phạm Ngọc Đăng (chủ biên) và NNK. Các giải pháp thiết kế công trình xanh ở Việt Nam.  Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội – 2014.
      3. Phạm Ngọc Đăng. Về Hệ thống các tiêu chí đánh giá công trình xanh ở Việt Nam. Tạp chí “Xây dựng”, số 9 – 2011.
      3. Green Building Benefits. http://bloomington.in.gov/green-building-benefits
      4. Green Building Basics www.calrecycle.ca.gov/greenbuilding/basics.htm
      5. “Green Pages Malaysia-2012 Edition, <WWW.greenpagesmalaysia.com>”
 
GS. TSKH. NGND Phạm Ngọc Đăng
Prof.Dr.of Sc. Pham Ngoc Dang
 
Văn phòng Hội MTXDVN

Video clip


Hội môi trường xây dựng việt nam

Thư viện ảnh


Đơn vị thành viên

Quảng cáo