Hoạt Động Hội
Thứ Ba, 1/9/2015
Phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu và lựa chọn thông minh của xây dựng kiến trúc Việt Nam
GS.TSKH.NGND. Phạm Ngọc Đăng, ThS Phạm Hải Hà
Green Building Development is necessary tendency and intelligent option
for architectural construction of Vietnam
Prof. Dr.Sc and People’s teacher Pham Ngoc Dang, M.Arch Pham Hai Ha
 
 “Công trình xanh” (viết đầy đủ là “công trình xây dựng xanh”, hay “tòa nhà xanh”, tiếng Anh là Green Building) là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời của nó, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm, thiết kế, thi công, vận hành sử dụng, cho đến giai đoạn sửa chữa, cải tạo tái sử dụng, đều đạt được các tiêu chí: sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nước, vật liệu, giảm thiểu nhỏ nhất các tác động đến môi trường xung quanh và sức khỏe  con người, bảo tồn cảnh quan và sinh thái tự nhiên, tạo ra điều kiện sống tốt nhất cho con người. 
Cuối thế kỷ 20, trong bối cảnh môi trường ngày càng bị ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị suy thoái, năng lượng bị khủng khoảng, biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu, Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về “Môi trường và Phát triển” tại Rio de Janeiro, Brazin, năm 1992, đã ra Tuyên ngôn  về “ Chương trình môi trường và phát triển của thế kỷ 21” - “Chương trình Nghị sự 21”, năm 1993 tại Hoa Kỳ một số chuyên gia xây dựng, kiến trúc và môi trường đã phối hợp với nhau đứng ra thành lập “Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ” (US. Green Building Counil – USGBC) và phát động phong trào phát triển công trình xanh (CTX) tại Mỹ.  US GBC đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chí công trình xanh đầu tiên trên thế giới, được gọi là “Chỉ đạo thiết kế môi trường và năng lượng- Đánh giá công trình xanh” (The Leadership in Energy and Environmetal Design– Green Building Rating, viết tắt là LEED), mở đầu cho một trào lưu (cũng có người gọi là cuộc cách mạng CTX) phát triển công trình xanh trên khắp thế giới. Hệ thống đánh giá LEED năm 2005 bao gồm 6 tiêu chí công trình xanh sau đây:
(1) Địa điểm công trình xây dựng bền vững, với số điểm đánh giá là 14 điểm;
(2) Sử dụng năng lượng có hiệu quả, với số điểm đánh giá là 17 điểm ;
(3) Sử dụng nước có hiệu quả, với số điểm đánh giá là 5 điểm;
(4) Sử dụng vật liệu và tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả, với số điểm đánh giá là 13 điểm; (5) Chất lượng môi trường trong nhà tốt, với số điểm đánh giá là 15 điểm;
(6) Sáng tạo, tính mới trong thiết kế công trình, với số điểm đánh giá là 5 điểm.
Tổng cộng số điểm đánh giá công trình xanh theo hệ thống đánh giá của LEED là 69 điểm. Các công trình xây dựng đạt 6 tiêu chí nêu trên được cấp chứng chỉ LEED theo 4 cấp: nếu tổng số điểm công trình đạt 26-32 điểm thì công trình được cấp chứng chỉ LEED; nếu tổng số điểm công trình đạt 33-38 điểm thì công trình được cấp chứng chỉ LEED với mức Bạc; nếu tổng số điểm công trình đạt 39-51 điểm thì công trình được cấp chứng chỉ LEED với mức Vàng; nếu tổng số điểm công trình đạt 52-69 điểm thì công trình được cấp chứng chỉ LEED với mức Kim cương.
Kết quả nổi bật nhất của việc thực hiện Chương trình phát triển CTX của Mỹ theo báo cáo năm 2005 cho thấy:
(1) Tiết kiệm 30% - 50% nước và năng lượng, nhờ đó giảm lượng phát thải CO2 tương ứng;
(2) Giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng 10 – 15%, đặc biệt về vận hành năng lượng;
(3) Năng suất lao động tăng 3% - 5%;
(4) Nguy cơ bệnh tật giảm > 5% và nâng cao sức khỏe người sử dụng;
(5) Giá trị công trình tăng, thương hiệu công ty thiết kế xay dựng công trình tăng uy tín;
(6) CTX là cam kết bảo đảm phát triển bền vững.
Do phát triển CTX mang lại lợi ích to lớn về kinh tế-xã hội và môi trường, phát triển bền vững như vậy, cho nên phong trào phát triển CTX được xuất phát từ Mỹ đến nay đã lan sang gần 100 nước trên thế giới. Trong số gần 100 nước nêu trên, có nước đã công nhận hàng nghìn, hàng vạn CTX; nước mới phát triển CTX cũng đã công nhận hàng chục, hàng trăm CTX. Hầu hết các nước đều dựa vào bộ tiêu chí LEED và nội địa hóa LEED để đánh giá và công nhận CTX của nước mình.
Ngày nay phát triển CTX đã trở thành xu hướng tất yếu và lựa chọn thông minh của ngành xây dựng kiến trúc của toàn thế giới trong thời đại thế kỷ 21.
Mặc dù vậy, ở nước ta mãi đến năm 2005 các chuyên gia kiến trúc, xây dựng và môi trường của nước ta mới tiếp cận phong trào CTX trên thế giới. Năm 2012 Bộ Xây dựng đã giao cho Hội Môi trường Xây dựng VN tiến hành nghiên cứu xây dựng “Chiến lược quốc gia về phát triển CTX đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và “Xây dựng bộ tiêu chí CTX phù hợp với điều kiện VN”. Cuối năm 2013, 2 Đề tài này sẽ hoàn thành và chắc rằng Bộ Xây dựng sẽ bắt đầu triển khai phát triển CTX vào thực tế.
Tuy nhiên, CTX cũng không phải là xa lạ đối với nước ta. Từ những năm 60,70 của thế kỷ trước, nước ta đã thúc đẩy nghiên cứu phát triển kiến trúc-xây dựng nhiệt đới, bằng các biện pháp “thụ động” như là: thiết kế kết cấu bao che nhà cách nhiệt bức xạ mặt trời, tăng phản xạ bề mặt, thiết kế che nắng cho cửa sổ, tổ chức thông gió tự nhiên, trồng cây xanh xung quanh công trình và đưa cây xanh lên các tầng nhà, trồng cây leo bao che cửa sổ, mặt tường và trồng cây xanh trên mặt mái nhà, tận dụng các điều kiện thuận lợi của điều kiện tự nhiên, giảm thiểu tối đa sử dụng thiết bị tiêu thụ năng lượng nhân tạo, để bảo đảm tiện nghi vi khí hậu trong phòng.
Sử dụng năng lượng và BVMT là 2 tiêu chí quan trọng nhất đối với bộ tiêu chí CTX. Năm 2005 Bộ xây dựng đã ban hành QCVN 09:2005- Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả và Bộ TN&MT đã ban hành nhiều quy chuẩn về BVMT. Đó là các căn cứ pháp luật tối thiểu được dùng làm căn cứ để thiết kế CTX, cũng như dùng làm cơ sở để đánh giá, công nhận CTX.
Năm 2012 VGBC cũng đã công nhận 2 CTX là nhà Văn phòng Việt nam Mộc Bài và nhà trụ sở Liên Hiệp Quốc 1 (Hà Nội). Ngày 28/3/2013 Bộ Xây dựng đã công bố 10 công trình đạt giải thưởng “Công trình có hiệu quả năng lượng” lần thứ nhất. Hội Kiến trúc sư VN cũng đã tổ chức cuộc thi “Kiến trúc xanh” theo các tiêu chí của Hội đề ra và đã công bố một số công trình đạt danh hiệu là công trình “Kiến trúc xanh”.
Kết quả nổi bật trong thời gian qua về phát triển CTX ở nước ta là vào cuối năm 2012 Hội đồng CTX Mỹ (USGBC) đã công nhận và cấp chứng chỉ LEED với mức Vàng cho trụ sở công ty TNHH Intel Products Việt nam, hình 1 (ở TP Hồ Chí Minh) và trụ sở công ty TNHH Chang Shin Việt nam, hình 2 (ở tỉnh Đồng Nai). Dưới đây giới thiệu một số đặc trưng mô hình CTX của 2 công trình nói trên để chúng ta học tập và nhân rộng mô hình.
Công ty TNHH Intel Products Việt Nam tại lô 12, đường D1, khu công nghệ cao, quận 9, TP Hồ Chí Minh, được đầu tư xây dựng từ tháng 3/2006 đến tháng 6/2010, có vốn đầu tư là 1 tỷ USD. Sản phẩm sản xuất của công ty là lắp ráp và kiểm định vi mạch điện tử, có hơn 1000 nhân viên làm việc.  Đầu năm 2012 đã thực hiện một số dự án tiết kiệm điện nước với tổng tiền đầu tư khoảng 1,9 tỷ đồng để lắp đặt vòi nước hiện đại có gắn cảm ứng đóng mở tự động tiết kiệm nước, dùng nước tái sử dụng để tưới cây cỏ, dùng làm nước vệ sinh. Lắp đặt hệ thống điều chỉnh hiệu suất năng lượng và tăng nhiệt độ làm lạnh máy lạnh trung tâm từ 5,6 đến 6,10C để tiết kiệm điện. Lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời cho khối văn phòng (hình 1), v.v….nên năm 2012 Công ty đã tiết kiệm được 2.158.535 KWh điện và 63.399 m3 nước, trị giá hơn 1,3 tỷ đồng.   Đối với Chất thải rắn (CTR) thông thường và chất thải nguy hại, Công ty đã thực hiện chương trình 3R: phân loại tại nguồn; tái chế, tái sử dụng và thải bỏ theo đúng quy định về bảo vệ môi trường. Từ tháng 3/2012, toàn bộ cán bộ công nhân của Công ty đã không dùng túi nylon khó phân hủy. Trước đây, mỗi tháng công ty thường dùng hết khoảng 800 kg túi nylon thông thường, từ tháng 3/2013 đã được thay thế toàn bộ  bằng túi nylon thân thiện môi trường. Công ty luôn luôn bảo đảm chất lượng môi trường nước, chất lượng không khí, và tiếng ồn đáp ứng yêu cầu của Quy chuẩn Môi trường Việt Nam. Chính sách của Công ty đối với thu mua nguyên vật liệu là thân thiện với môi trường. Nguyên vật liệu tiêu thụ của Công ty thường xuyên chứa ít nhất là 10% nguyên vật liệu được tái chế sau sử dụng, 50% là nguyên vật liệu có thể tái sinh.
 
 
 
Hình 1. Hệ thống pin năng lượng mặt trời trên mái nhà lớn nhất ở Việt Nam của  công ty TNHH Intel Products Việt nam (TP Hồ Chí Minh), phát điện 321.000 KWh, giảm phát thải 221.300 kg lượng khí CO2 mỗi năm.
Công ty TNHH Intel Products Việt nam và công ty TNHH Chang Shin Việt nam đều là công ty được đầu tư bằng 100% vốn của người nước ngoài.
Như vậy, có thể đánh giá rằng phát triển CTX ở nước ta chậm hơn các nước trung bình trên thế giới khoảng 10-13 năm. Phát triển CTX ở nước ta đang trong giai đoạn tích cực khởi động và hứa hẹn tương lai sẽ phát triển mạnh vì điều kiện thiên nhiên của nước ta thuận lợi cho phát triển CTX và mặt khác, đi sau nên học tập được nhiều kinh nghiệm của thế giới. 
 
IMG_1937
Hình 2: Nhà chính của Công ty TNHH Chang Shin Việt nam
(ở tỉnh Đồng Nai).
 
Trong dự thảo “Chiến lược quốc gia về phát triển CTX đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” chúng tôi đề xuất Mục tiêu phát triển CTX của nước ta đến năm 2020 là:
Bằng mọi biện pháp đưa hoạt động phát triển CTX thành một phong trào có tổ chức mạnh mẽ, có nề nếp trong phạm vi toàn quốc,  được toàn dân hưởng ứng, 100% các nhà đầu tư và kinh doanh xây dựng tham gia; Xây dựng và ban hành về cơ bản đầy đủ các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển CTX, các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia có liên quan để làm căn cứ pháp luật đánh giá công nhận CTX;
-  Phấn đấu đến năm 2020 khoảng 40% số lượng các công trình được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà Nước và khoảng 20% số lượng các công trình mới và sửa chữa được đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân được công nhận là công trình xanh.
Các hành động chủ yếu để phát triển CTX có hiệu quả thiết thực: (1)Tổ chức xét, công nhận, cấp chứng chỉ và trao giải thưởng đối với các công trình đạt tiêu chí là CTX; (2) Nhà nước đi tiên phong trong việc xây dựng các công trình của Nhà nước đạt tiêu chí CTX để làm gương cho các nhà đầu tư tư nhân và nhân dân noi theo; (3)Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CTX cho cộng đồng; (4) Huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, đặc biệt là huy động sự tham gia của Hội Kiến trúc sư, các Hội chuyên ngành của Tổng Hội Xây dựng Việt nam, như là các Hội: Môi trường Xây dựng, Môi trường đô thị và công nghiệp, Vật liệu Xây dựng, Chiếu sáng, Cấp thoát nước v.v…; (5) Tổ chức đào tạo nhân lực có đủ trình độ để phát triển CTX; (6) Phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ về các giải pháp thiết kế và xây dựng CTX phù hợp với điều kiện Việt nam; (7)Tăng cường quan hệ hợp tác với Hội đồng CTX quốc tế và Hội đồng CTX của các nước trên thế giới trong phát triển CTX ở nước ta.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Ngọc Đăng, Phạm Hải Hà. Bàn về phát triển xây dựng đô thị xanh ở Việt Nam. Tạp chí “Người Xây Dựng ”, số 1 và số 2, năm 2011.
2. Phạm Đức Nguyên. Phát triển kiến trúc bền vững, kiến trức xanh ở Việt Nam. Nhà xuất   bản Trí Thức, Hà Nội- 2012.
3.USGBC. Green Building Rating System For New Construction & Major Renovation. Version 2.2  2005.
4.      http://en.wikipedia.org/wiki/Green_building.
5.Tổng Cục Môi trường. Giải thưởng môi trường Việt nam năm 2013. Hồ sơ đăng ký mã số B1.3: Công ty TNHH Intel Products Việt nam, và hồ sơ đăng ký mã số C3.3: Công ty TNHH Chang Shin Việt nam.
 
 
Địa chỉ tác giả:
GS Phạm Ngọc Đăng
Mob. 0912371876, Email: phamngocdang37@gmail.com
Nhà số 12, ngõ 200
Phố Vĩnh Hưng, Q. Hoàng Mai
Hà Nội
GS.TSKH.NGND. Phạm Ngọc Đăng, ThS Phạm Hải Hà

Video clip


Hội môi trường xây dựng việt nam

Thư viện ảnh


Đơn vị thành viên

Quảng cáo