Hoạt Động Hội
Chủ Nhật, 30/11/2014
Kinh nghiệm Quản lý và đánh giá Công trình xanh (Green Building) ở Singapore & Malaysia
Cuối tháng 5/ 2013, IFC đã tổ chức một đoàn cán bộ Bộ xây dựng và Hội Môi Trường Xây dựng VN (VACEE) đi trao đổi kinh nghiệm tại Singapore và Malaysia với các Ban lãnh đạo về Công trình xanh và Hiệu quả năng lượng
Cuối tháng 5/ 2013, IFC đã tổ chức một đoàn cán bộ Bộ xây dựng và Hội Môi Trường Xây dựng VN (VACEE) đi trao đổi kinh nghiệm tại Singapore và Malaysia với các Ban lãnh đạo về Công trình xanh và Hiệu quả năng lượng; với các Hội đồng Công trình xanh và tham quan một số công trình thực tế trong thời gian gần một tuần. Dưới đây là một số thu nhận về chuyến đi khảo sát này.




I - Tổ chức hoạt động và đánh giá cấp chứng chỉ
1.1 Ở Singapore
BCA (Building & Construction Authority)là một tổ chức do Chính phủ Singapore thành lập, có trách nhiệm lãnh đạo, điều hành việc thực hiện chương trình Công trình xanh (CTX) và cấp chứng chỉ CTX (“Green Mark”-GM) củaSingapore.
Ông Jefery Neng, Operation Director Centre for Sustainable Buildings & Construction Research Group và ông Benjamin Towell, Executive Manager of Green Mark Department đã tiếp và làm việc với đoàn đại biểu Việt Nam.
Chương trình tổng thể CTX lần thứ nhất (1st Green Building Masterplan) của Singapore được công bố năm 2006và tập trung vào 4 nội dung:
1/ Thúc đẩy lĩnh vực tư nhân thực hiện CTX, cung cấp gói S$20 tr. để khuyến khích các chủ đầu tư tư nhân cải tạo xanh các công trình;
2/ Luật hóa tính bền vững môi trường cho các công trình;
3/ Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển trong bền vững môi trường;
4/ Nâng cao nhận thức: đào tạo và cấp chứng chỉ tư vấn CTX cho các chuyên gia.
     Hiện nay Singapore đã công bố Chương trình tổng thể CTX lần thứ hai (2st GB Masterplan) nhằm đạt được môi trường xây dựng bền vững trong 20 năm tới (đến năm 2030) với các nội dung chính sau đây:
-          Lĩnh vực nhà nước dẫn đầu: Các công trình công cộng mới đạt chứng chỉ GM Bạch kim, Các công trình công cộng hiện hữu đạt GM Goldplus;
-          Thúc đẩy lĩnh vực tư nhân: chi S$ 100 tr. Cho chủ đầu tư cải tạo xanh;
-          Thúc đẩy phát triển công nghệ xanh;
-          Đào tạo chuyên gia: Chương trình cho người thực hiện (CEO, lãnh đạo, Giảng viên) ở cấc cấp độ. Cấp độ bán chuyên nghiệp và Cấp độ giám sát với các chứng chỉ khác nhau.  
-          Năm 2030 có 80% công trình đạt chứng chỉ BCA GM.
-          Tổ chức khóa đào tạo cán bộ cao cấp châu Á Thái Bình Dương.
-          2017 tổ chức Hội thảo toàn quốc về CTX.
 Hội đồng CTX Singapore (SGBC) là tổ chức phi chính phủ thành lập năm 2009, có 350 thành viên (là các tổ chức, Công ty, ..) là thành viên của Hội đồng CTX thế giới (WGBC). SGBC phối hợp hoạt động cùng BCA, chủ yếu làm nhiệm vụ đánh giá và dánNhãn xanh (Green Label) cho các vật liệu, trang thiết bị phục vụ xây dựng tòa nhà. Từ 9/2012 thêm Chứng chỉ Dịch vụ xanh. Người thay mặt SGBC tiếp đoàn ta là ông N.G. Eng Kiong, President SGBC (2013-2015).
Sứ mệnh của SGBC là: Thúc đẩy công nghiệp xây dựng Singapore hướng tới sự Bền vững về môi trường (Mission of SGBC: “To propel the Singapore Building and Construction Industry towards Environmental Sustainability”), với 3 nội dung:
- Chỉ dẫn xây dựng bền vững ở Singapore;
- Nâng cao tính nghề nghiệp và kiến thức trong Phát triển bền vững;
- Tổ chức cấp chứng chỉ về Sản phẩm và các Dịch vụ xanh (vật liệu, trang thiết bị…).
SGBC cam kết sẽ ủng hộ GBC of Vietnam để có tiếng nói quốc tế và khuyến nghị GBC of Vietnam nên tham dự Singapore Green Building Week 2013 vào các ngày 11 – 13 tháng 9 năm 2013.
1.2 Ở Malaysia
Năm 2009, trên cơ sở Bộ Năng lượng, Nước và Truyền thông, Malaysia đã thành lập Bộ Năng lượng, Công nghệ xanh và Nước / KeTTHA (Ministry of Energy, Green Technology ad Water). Tháng 4/2010 Bộ phê chuẩn Chính sách quốc gia về năng lượng tái tạo và Chương trình Hành động ( “The National Renewable Energy Policy  and Action Plan”)
Tháng 9/ 2011, Malaysia thành lập Cơ quan Phát triển năng lượng bền vững Malaysia(Sustainable Energy Development Authority - SEDA Malaysia). Bà Badriah Abd Malek, là CEO của SEDA đã tiếp đoàn và báo cáo về Hiệu quả năng lượng - Hành động và các điều luật của Malaysia (Energy Efficiency “Act and Regulations”).
Cảm nhận chung của tôi là Malaysia rất coi trọng vấn đề Hiệu quả năng lượng, Năng lượng tái tạo, có đủ bộ máy tổ chức thực hiện và Hệ thống các chính sách, quy định có liên quan, rất chặt chẽ và chi tiết.
Tuy nhiên việc điều hành, đánh giá và câp chứng chỉ CTX lại do Hội đồng CTX Malaysia (MGBC) – 1 tổ chức phi Chính phủ được thành lập bởi Hội KTS và Hội Xây dựng Malaysia. Tiếp đoàn là ông Looi Hip Peu, Chủ tịch MGBC.
Theo ông Chủ tịch, MGBC hoạt động như 1 doanh nghiệp. Họ đưa ra công cụ đánh giá gọi là “Green Building Index / GBI”.
Chính phủ Malaysia rất ủng hộ GBI, như lời Thủ tướng Malaysia nói: “…GBI sẽ cho phép chúng ta thực hiện phát triển thân thiện với môi trường hơn”, hay Chúng tôi đang thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu một lần nữa bằng việc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hỗ trợ một công cụ đánh giá công trình công nghiệp xanh có tính tổng thể xét tới hiệu quả nguồn tài nguyên của quá trình sản xuất thông qua GBI”.
Bộ trưởng KeTTHA nói: “…các nhà phát triển bất động sản và chủ sở hữu có thể làm việc hướng tới đạt được các tòa nhà với sự nhấn mạnh nhiều hơn vào GBI, và người thuê nhà được hướng dẫn đúng đắn trong việc lựa chọn các tòa nhà có hiệu quả năng lượng”.
Tôi cho rằng Chủ tịch MGBC có lý khi nói rằng: “…chỉ trong một nước có xã hội dân sự mạnh thì một tổ chức phi chính phủ mới có thể tổ chức thực hiện và đánh giá hoạt động CTX”.
II - Các hệ thống đánh giá CTX đã ban hành
2.1 Ở Singapore
Hệ thống đánh giá CTX (GB Rating System) của Singapore gọi là BCA Green Mark có từ tháng 1/2005. Từ đó đã phát triển cho nhiều loại công trình và có phiên bản tới 3.0. Tháng 5/ 2008, BCA và Ủy ban công viên quốc gia (National Parks Board) đã đưa ra thêm BCA/NParks Green Mark cho Parks Scheme (GM cho công viên).
Hiện nay, Singapore đã có 9 hệ thống đánh giá sau đây:
BCA GM cho công trình mới (BCA GM Schemes for New Buildings):
(1)                    Công trình không để ở (BCA GM for Non-Residental Buildings);
(2)                    Công trình cho nhà ở (BCA GM for Residental Buildings);
(3)                    Công trình không cho nhà vườn (BCA GM for Landed Houses);
         * BCA GM cho công trình hiện hữu (BCA GM Schemes for Existing Buildings):
(4)                    Công trình không để ở (BCA GM for Non-Residental Buildings);
(5)                    Công trình cho nhà ở (BCA GM for Residental Buildings);
         * BCA GM cho bên ngoài công trình (BCA GM Schemes – Beyond Buildings):
(6)                    Công viên hiện hữu (BCA/NParks Green Mark for Existing Parks);
(7)                    Thiết kế và Phát triển mới công viên (BCA/NParks Green Mark for New Parks Désign and Development);
(8)                    Nội thất văn phòng (BCA Green Mark for Office Interiors);
(9)                    Cơ sở Hạ tầng (BCA Green Mark for Infrastructures).
Tiêu chuẩn then chốt (Key Criteria) của BCA GM :
1/ Hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency - EE);
2/ Hiệu quả nước (Water Efficiency - WE);
3/ Bảo vệ môi trường (Environmental protection - EP);
4/ Chất lượng môi trường trong nhà (Indoor Environmental Quality - IQ;
5/ Các sáng kiến làm cho công trình xanh hơn (Other green and innovative features that contribute to better building performance - GI).
Thang điểm và tỷ trọng(theoNon-Residental new Buildings – Version 3)
Crteria EE WE EP IQ GI
Điểm 79 14 32 8 7  
Thưởng 20 - - - -  
Cộng 140 + 20 (thưởng)  
 
Có 4 loại chứng chỉ BCA GM để đánh giá phân loại::
(1) Đạt GM, (2) GM vàng, (3) GM vàng+, (4) GM Bạch kim
Điểm theo GM Đánh giá GM
≥ 90 GM Bạch kim (Platinum)
Từ 85 tới < 90 GM Vàng + (Goldplus)
Từ 75 tới < 85 GM Vàng (Gold)
Từ 50 tới < 75 Được chứng chỉ GM
 
Nhận xét:
(1) BCA GM rất coi trọng hiệu quả năng lượng (EE):
a - Trong 140 điểm thì EE chiếm 79 điểm (79/140 = 56,4%), nếu cộng   20 điểm thưởng của riêng EE sẽ là 99/160 = ~62% (xem hình dưới).
b - Đồng thời để được cấp chứng chỉ BCA GM còn quy định:
-      Đạt được các quy định bắt buộc, trong đó có yêu cầu ETTV và RTTV phải không vượt 50 W/m2, giá trị U mái, ĐHKK, CSTN, TGTN, CSNT, v.v (có yêu cầu cụ thể);
-      Đạt 50 điểm, trong đó EE đạt 30 điểm, các lĩnh vực khác đạt 20 điểm.

 
Hình – Phần năng lượng chiếm hơn ½ số điểm đánh giá CTX
(2) Phần tính điểm của EE được đánh giá riêng cho:
-Nhà có ĐHKK- khoản A (xét ETTV và hiệu quả hệ thống ĐHKK)
-Nhà không ĐHKK - khoản B (xét giá trị U, TGTN, )
-Các tiêu chí chung – khoản C (CSTN, TGTN bãi xe, TGTN không gian chung, cầu thang, thang máy, sáng kiến)
(3) Chứng chỉ BCA GM không có Bạc, thay vào đó là Vàng và Vàng+ (Vàng cộng);
(4) Thêm một điểm đáng lưu ý là Hệ thống đánh giá BCA GM có quan tâm đặc biệt đến khí hậu nhiệt đới xích đạo. Ví dụ:
- Nếu tỷ lệ diện tích tường hướng tây (so với tổng diện tích tường) và tỷ lệ cửa sổ hướng tây (so với tổng diện tích cửa sổ) càng lớn thì càng bị mất điểm.
- TGTN xuyên phòng cũng được ưu tiên tính điểm trong các công trình không dùng ĐHKK.
 
2.2 Ở Malaysia
Công cụ đánh giá GBI (GBI Rating Tool) của Malaysia có 6 tiêu chuẩn then chốt (Key Criteria)
1/ Hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency - EE);
2/ Chất lượng môi trường trong nhà (Indoor Environmental Quality - IEQ);
3/ Quy hoạch và quản lý địa điểm bền vững (Sustainable Site Planning & Management - SM);
4/ Vật liệu và tài nguyên (Materials & Resources - MR);
5/ Hiệu quả nước (Water Efficiency - WE);
6/  Sáng tạo (Innovation - IN).
GBI đã có 7 Công cụ đánh giá khác nhau cho các loại nhà:
(1) Nhà mới không để ở , (2) Nhà ở mới; (3) Nhà không để ở hiện hữu; (4) Nha công nghiệp mới; (5) Nhà công nghiệp hiện hữu; (6) Điểm dân cư (Township); (7) Trung tâm dữ liệu (Data Centre).
Thang điểm và tỷ trọng: Tổng số 100 điểm, cấu trúc khác nhau theo loại nhà:
Loại nhà Nhà không để ở mới Nhà ở mới Nhà không để ở hiện hữu Nhà công nghiệp mới Nhà công nghiệp hiện hữu Điểm dân cư Township TT
Dữ liệu
EE 35 23 38 33 38 20 35
EQ 21 11 21 22 22 15 21
SM 16 39 10 18 10 26 16
MR 11 9 9 10 8 14 11
WE 10 12 12 10 12 15 10
IN 7 6 10 7 10 10 7
Tổng 100 100 100 100 100 100 100
Phân loại cấp chứng chỉ:
Điểm Đánh giá GBI
86 + điểm Bạch kim (Platinum)
Từ 76 đến 85 điểm Vàng (Gold)
Từ 66 đến  75 điểm Bạc (Silver)
Từ 50 đến  65 điểm Đạt chứng chỉ (Certified)
 
Quy trình đánh giá: 3 giai đoạn (Stages)
Stage 1: Ghi tên
Stage 2: Đánh giá thiết kế (Design Assessment)
Stage 3: Hoàn thiện và đánh giá kiểm tra (Completion & Verification Assessment)
Vào thời điểm 12 tháng sau khi hoàn thành xây dựng công trình hoặc công trình có 50% người sử dụng. Định kỳ đánh giá lại công trình là 3 năm. Riêng Điểm dân cư được đánh giá theo 4 giai đoạn.
Phí đánh giá:  Tùy theo độ lớn công trình:
- Công trình mới: từ 5.000 RM (dưới 2.000m2, ~25 tr. VNĐ) đến 45.000 RM (50.000 – 100.000 m2, ~250.tr. VNĐ);
- Công trình hiện hữu: từ 6.000 RM (>4000 m2, ~30 tr. VNĐ) đến 19.000 RM (50.000 – 100.000 m2, ~100.tr. VNĐ).
Nhận xét:
(1) Về cơ bản cách đánh giá GBI tương tự LEED, chỉ khác có thêm Quản lý và đặt chung vào Địa điểm bền vững (Sustainable Site & Management).
(2)  Có lẽ đây là nước đầu tiên có đánh giá cho nhà công nghiệp (như lời Bộ trưởng KeTTHA nói trên), và một điểm dân cư (Township) mà cả LEED cũng chưa có.
III - Kết quả hoạt động CTX
3.1 Singapore BCA
 * 2009: Nhà nước đóng vai trò chủ đạo + khuyến khích tư nhân + Áp dụng công nghệ + Nâng cao nhận thức.
               - Giai đoạn 1: tập trung các công trình xây dựng mới;
- Giai đoạn 2: các công trình đang sử dụng;
* Các CTX giảm 35% năng lượng sử dụng;
* Từ 2005 đến 2008 có 250 công trình đạt CC GM; Năm 2012: có 1500 tòa nhà đạt CCGM (chiếm 21%), DT 44 triệu m2; Năm 2030: đạt 80% số công trình.
* 2008: đã luật hóa tiêu chí CTX;
* 2007: nhà nước chi S$20 tr. cho các chủ đầu tư cải tạo xanh tòa nhà.
* Các CTX Bạch kim tăng chi phí XD ~ 2-6% , hoàn vốn trong 5 – 7 năm.
* Tại Singapore yêu cầu công khai năng lượng sử dụng của các tòa nhà.
* Tổ chức khóa đào tạo cán bộ câp cao châu Á TBD; Tháng 9 / 2013: tuần lễ CTX ở Singapore; 2017- Hội thảo toàn quốc về CTX.
Mục tiêu đến năm 2030 có 80% công trình đạt chứng chỉ BCA GM và Giảm được 80% năng lượng  tiệu thụ.
3.2 Malaysia
Ở Malaysia chính phủ quan tâm đặc biệt về hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo, có cơ quan quản lý riêng (SEDA) trực thuộc Bộ KeTTHA.
Hoạt động CTX do MGBC- tổ chức phi chính phủ quản lý và thực hiện. Tuy nhiên rất đáng khâm phục là chỉ từ năm 2009 đến nay (từ khi có GBI) đã có khoảng gần 200 công trình được cấp chứng chỉ GBI với diện tích xây dựng đạt gần 5 triệu m(50 tr. Square feet).
Nhận xét chung
(1)                    Nếu Singapore có hệ thống đánh giá cho Công viên và Cơ sở hạ tầng, thì Malaysia có đánh giá cho nhà công nghiệp, đều là chưa có tiền lệ trên thế giới.
(2)                     Hệ thống đánh giá BCA GM và GBI tuy đều phát triển từ hệ thống LEED, nhưng có xét đến đặc điểm của quốc gia (đặc biệt về năng lượng) và điều kiện khí hậu nóng ẩm vùng gần xích đạo, đặc biệt hệ thống BCA GM thể hiện rõ rệt;
(3)                    Phong trào CTX của 2 nước tuy có khác nhau, cả về lãnh đạo thực hiện, cả về hệ thống tiêu chí đánh giá và phương pháp đánh giá, nhưng phong trào hai nước này phát triển rất nhanh, mạnh mẽ, đã xây dựng được kiến thức cơ sở vững chắc, có hệ thống khá hoàn thiện và được Chính phủ đặc biệt quan tâm.
(4)                     Tôi đặc biệt quan tâm và thích thú cách thực hiện xây dựng các công trình xanh của Malaysia - không giống cách làm của Green Star, Lotus… (bắt buộc trong đội ngũ thiết kế công trình phải có ít nhất 1 chuyên gia được Hội đồng CTX cấp chứng chỉ mới được tính điểm) mà theo mô hình sau:
-   Bước 1: Chủ đầu tư mời Cty tư vấn về Công trình xanh nghiên cứu đưa ra các ý tưởng, phương án và giải pháp xanh cho công trình (kể cả hướng, vị trí công trình cho đến vật liệu, cấu tạo). Công ty tư vấn xanh IEN của Đan Mạch đã thực hiện tư vấn cho ít nhất 4 công trình đạt chứng chỉ xanh (đoàn VN đã đến tham quan). Công thức của họ là “5 / 50 / 5” – nghĩa là giá thành tăng 5%, hiệu quả năng lượng tăng 50%, hoàn vốn trong 5 năm;
-   Bước 2: Mời công ty tư vấn Thiết kế kiến trúc thực hiện theo các ý tưởng xanh, giải pháp xanh đã đề xuất.
IV - Tham quan các công trình xanh 
Tại Singapore đoàn đã tới thăm 4 công trình:
(1)   Thư viện quốc gia Singapore. Tòa nhà nổi bật với việc một giếng trời, các cấu tạo che nắng và lấy ASTN đẹp và hiệu quả, sử dụng Pin mặt trời, ĐHKK ít năng lượng.  Một sân trong cho cộng đồng, thoáng gió và mát mẻ (nhờ tạo ra hút gió). Tiện nghi môi trường trong nhà rất tốt.
(2)   Khu nhà ở xanh “Punggol” nổi bật với một một đường đi dạo xanh dài nối các tòa nhà và các không gian sinh hoạt cộng đồng. Thiết kế quan tâm từ chỗ phơi phóng đến nơi đổ rác có phân loại và sạch sẽ, không mùi.
(3)   Tòa nhà văn phòng “Zero Energy Building”. Tòa nhà áp dụng các giải pháp mái xanh, tường xanh và sử dụng nhiều pin mặt trời (từ kết hợp làm các tấm che nắng hướng tây, đến kính cửa sổ, và che kín toàn bộ mái nhà). Tổng hợp các giải pháp tiết kiệm 82,9 kWh/m2.năm. Tòa nhà chỉ tiêu thụ ½ năng lượng so với các tòa  nhà văn phòng bình thường, và năng lượng này đều được lấy từ năng lượng tái tạo.
(4)   Bệnh viện xanh – gồm khu khám bệnh đa khoa và khu điều trị. Bệnh viện xanh xứng với tên gọi vì có cây xanh, mặt nước suốt từ tầng một, lên các hành lang và tận mái nhà (trồng rau và hoa quả). Khu bệnh nhân mở các chớp kính thông gió mà không cần lưới chắn côn trùng, vì cả khu (và hình như cả Singapore) không có ruồi, muỗi và côn trùng. Địa điểm xây dựng rất “bền vững” với một hồ nước sạch (đã xử lý) nằm hướng nam và cả rừng cây bao quanh. Khu bệnh viện không có hàng rào và cổng, mà tầng trệt để trống tạo thành một không gian cộng đồng (có thể tổ chức triển lãm, giới thiệu …).
Cả 4 công trình đều là những công trình kiến trúc ấn tượng, các chi tiết thiết kế và thực hiện hoàn hảo, không cái thừa và không thể chê trách, phê phán.

Thư viện quốc gia Singapore.

Bệnh viện xanh ở Singapore
 
 
Tại Malaysia đoàn cũng đã tới thăm 4 công trình:
(1)   Trụ sở chi nhánh Shell ở Kuala Lumpur – Tòa nhà văn phòng đang xây dựng. Về kiến trúc không gây ấn tượng, nhưng các giải pháp xanh đã giảm năng lượng tiêu thụ còn 120 kWh/m2.năm (trung bình các tòa nhà văn phòng ở đây sử dụng khoảng >200 kWh/m2.năm),  Chi phí tăng thêm khoảng 10 – 12% và hoàn vốn trong 8 – 12 năm.
(2)    ST Diamond Building – được cấp chứng chỉ CTX Bạch kim của cả Malaysia và Singapore. Tòa nhà có hình dáng một viên kim cương, vỏ bằng kính (kính Low-E cho hướng tây và đông), với sử dụng ánh sáng tự nhiên rất hiệu quả qua giếng trời, có hệ thống ĐHKK tiết kiệm năng lượng, pin Mặt trời … đã giảm được 1/3 năng lượng, chỉ còn  65 kWh/m2.năm. Tòa nhà có mái xanh và thu nước mưa để tưới cây.
(3)   GEO (Green Energy Office) Building, đưa vào sử dụng năm 2007, năng lượng tiêu thụ chỉ còn 30 kWh/m2/năm, nên còn được gọi là “Zero Energy Building” . Đặc biệt công trình có giải pháp sử dụng ASTN rất hiệu quả đến mức mật độ năng lượng chiếu sáng (LPD) chỉ còn 0,65 W/m2 (so với 15 W/m2). 
(4)   LEO Building, Bộ Năng lượng. Các giải pháp xanh đã giảm năng lượng tiêu thụ còn 100 kWh/m2.năm, so với 160 theo tính toán ban đầu. Sảnh tòa nhà là một sân trong có cây xanh, suối nước, lấy ASTN và làm nơi giao tiếp cộng đồng. Mái nhà lắp Pin mặt trời.
Trong số 4 công trình ở Malaysia, tôi ấn tượng nhất là các công trình ST Diamond Building và GEO Building.

ST Diamond Building Putrajaya, Kuala Lumpur

LEO Building, Bộ Năng lượng Malaysia
Qua 8 công trình tham quan trực tiếp và hàng chục công trình chỉ “ngắm” bên ngoài, tôi cứ suy nghĩ để tìm lý do  vì sao họ làm được. Tất cả các giải pháp về lý thuyết đều có sẵn trong các tài liệu khoa học của chúng ta (trừ vấn đề ĐHKK tôi chưa thật rõ), vậy tại sao ta chưa làm được? Phải chăng đó là:
-             Thiếu sự hợp tác trong thiết kế giữa tư vấn kiến trúc và tư vấn CTX;
-             Thiếu các nghiên cứu chuyển đổi từ lý thuyết thành giải pháp áp dụng, đặc biệt về cấu tạo kiến trúc;
-Thiếu một công nghiệp xanh để chế tạo, sản xuất các công nghệ, cấu tạo đã trở nên phổ biến, như các tấm che nắng và lợi dụng ánh sáng phản xạ, pin mặt trời, thu nước mưa, v.v.
Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam

Video clip


Hội môi trường xây dựng việt nam

Thư viện ảnh


Đơn vị thành viên

Quảng cáo